Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quá tải sĩ số, Hà Nội, TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho giáo dục

(VTC News) -

Đại diện lãnh đạo UBND Hà Nội và TP.HCM kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép đô thị đông dân cư có cách tính xây dựng trường học mới.

Đề xuất trên được lãnh đạo UBND TP.HCM và Hà Nội nêu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và  triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/8.

Tại hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Thủ đô đây là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Trong khi đó, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất, do đó, UBND kiến nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố xây dựng trường học áp dụng tiêu chí tính diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh nhằm đáp ứng chuẩn xây dựng trường học mới.

"Mong Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng và xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả hơn nữa", bà Hà nhấn mạnh.

Ông Dương Anh Đức phát biểu chiều 18/8.

Chung đề xuất, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang gặp khó khăn trong chính sách diện tích đất bình quân tối thiểu trong lĩnh vực giáo dục ở những khu vực đông dân và mật độ dân số rất cao.

Thực tế nhiều trường học cũ ở TP.HCM khi thực hiện theo chuẩn mới theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD&ĐT thì số lượng lớp học bị giảm sút nghiêm trọng, học sinh không có chỗ để học. Từ đó, buộc các trường phải tăng số học sinh trên lớp, chia ca học... đảm bảo đủ phòng học cho các em.

Về lâu dài, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại cách thức tính quy chuẩn này, phân loại theo các quy chuẩn vùng, theo tính chất vùng, miền cũng như tính chất của các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM để có ban hành những quy chuẩn riêng.

Ông Dương Anh Đức lấy kiến nghị nên tính diện tích lớp trên đầu học sinh không phải diện tích đất trên đầu học sinh. Nếu áp dụng chính sách này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện nay của TP.HCM, từ đó nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học phục vụ cho các em học sinh.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS - 37,71 em/lớp và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2/học sinh. Riêng với các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8m2/học sinh. Còn với trường có tổ chức nội trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú bảo đảm 6m2/học sinh nội trú.

Hà Cường - Khánh Sơn

Tin mới