Cụm Khí Điện - Đạm - Cà Mau. (Ảnh: PVN)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát đi thông báo liên quan đến đề xuất dừng hoạt động 2 nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau để nhường khí cho phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, PVN cho rằng chủ sở hữu của các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.
"Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm", tập đoàn cho hay.
Thêm nữa, PVN cho rằng việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.
Theo tập đoàn này, các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế) kể từ năm 2006 đến nay.
"Nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí/năm cho 2 nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau. Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn", PVN cho biết thêm.
Để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện, tập đoàn cho rằng các cơ quan cần xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống; có chính sách giá điện hợp lý để giúp cho chủ đầu tư các nhà máy điện có thể yên tâm ký kết các hợp đồng mua khí dài hạn.
Theo kế hoạch, PVN và các bên trong hệ thống khí tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm.
Theo PVN, thực tế nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý I rất thấp, hết tháng 4 chỉ đạt 96% so với kế hoạch đã được giao. Tuy vậy, khi phụ tải hệ thống điện tăng cao, PVN và các bên đã thực hiện giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí trong nước.
Đến ngày 12/5, đã có 13/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với mực nước quy định trong quy trình điều tiết hồ chứa/liên hồ chứa. Ngày 13/5, Thủ tướng đã có công điện khẩn về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.