Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EVN đang làm gì để ứng phó với nguy cơ thiếu điện?

(VTC News) -

Nắng nóng gay gắt, lượng tiêu thụ điện tăng cao cộng với lượng nước ở 13/47 hồ thủy điện về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết đã cảnh báo nguy cơ thiếu hụt điện.

Trước thực trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp cung ứng điện, đặc biệt trong các tháng hè năm 2023 do nguy cơ thiếu điện trong cả nước. 

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Trả lời VTC News mới đây, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN cho biết, tiêu thụ điện tăng cao trong khi tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi.

“Hiện có 13/47 hồ thủy điện thuộc EVN và của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4500 MW). Trong đó có các hồ thủy điện lớn của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ.

Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Trong những tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm, nguy cơ thiếu điện diễn ra hiện hữu”, ông Võ Quang Lâm nhận định.

Trước dự báo về tình hình thiếu điện diễn ra, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng mới đây của Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết, từ đầu năm đến nay, nguồn điện được huy động chủ yếu vẫn là thủy điện và điện than (chiếm trên 70%).

Trong khi đó, tình hình khô hạn gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Hiện đã có 13/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, sản lượng điện huy động từ nhà máy thủy điện giảm mạnh.

"Với lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, việc cung ứng nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện khó khăn, nhiều khả năng sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong một số ngày sắp tới, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân", ông Hòa dự báo.

Huy động năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp hạn chế thiếu điện mà Bộ Công Thương và EVN đang hướng tới (Ảnh Bộ Công Thương cung cấp).

Với tinh thần không để thiếu than, khí cho sản xuất điện để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

“Bộ cũng yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán để huy động các nhà máy điện tái tạo đã sẵn sàng đảm bảo pháp lý để bổ sung vào hệ thống. Đến nay Bộ đã thống nhất giá tạm thời của tám nhà máy điện gió, điện mặt trời với mức giá tạm thời bằng 50% Quyết định số 21/QĐ-BCT.

Mức trần của khung giá đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi có giá 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền có giá 1.587,12 đồng /kWh; nhà máy điện gió trên biển có giá 1.815,95 đồng/kWh”, ông Hoà cho biết thêm.

Nguy cơ thiếu điện, EVN vào cuộc thế nào?

Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7 sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW.

Để đảm bảo các than, khí phục vụ cho sản xuất điện, EVN đã có văn bản gửi các đối tác. Cụ thể, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí và Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện.

Trong đó EVN cho rằng việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.

Nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu cần trên 21 triệu m3/ngày.

Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi để vận hành tối đa của các nhà máy tuốc bin khí Cà Mau cần khoảng 6 triệu m3/ngày.

Từ đó EVN đề nghị các công ty trên hỗ trợ, nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (5 và 6). Trong đó, EVN đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất đến hết tháng 5.

Đối với nguồn than cho sản xuất điện, ông Võ Quang Lâm cho biết, do lượng than cung cấp không theo kịp với nhu cầu huy động nên EVN cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 để "vay" than nhằm phục vụ cho sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.

EVN đã lên các phương án để ứng phó với nguy cơ thiếu điện (Ảnh EVN).

Theo EVN, nếu không có đủ nguồn than, nhà máy này có thể sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động trong vài ngày tới, hệ thống điện sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 1.938MW.

“EVN sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Đồng thời sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương”, ông Lâm nói.

Cùng với đó, Phó tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng kêu gọi người dân và khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h đến 22h).

“Khách hàng tiết kiệm điện bằng việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Các nhà máy nên điều chỉnh thời gian, nên sản xuất vào ban đêm để tránh quá tải đường truyền”, ông Lâm nói.

Đề xuất Thủ tướng có chỉ thị về tiết kiệm điện

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo với mức 2%/năm khi nhấn mạnh nhu cầu điện vẫn ở mức cao với 8,5%.

Các mục tiêu cụ thể và giải pháp tiết kiệm điện được đề xuất như sau:

Cơ quan, công sở phải tiết kiệm 5% tổng lượng điện tiêu thụ, huy động nguồn lực để lắp đặt, sử dụng hệ thống điện trên mái nhà, đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

Chiếu sáng ngoài trời giảm tối thiểu 20% trên cơ sở áp dụng giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ.

Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, tòa chung cư giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cao điểm buổi tối.

Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế giờ cao điểm, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ, tham gia điều chỉnh phụ tải...

Các hộ gia đình sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng và tập thói quen sử dụng tiết kiệm.

PHẠM DUY

Tin mới