Ngày 10/7, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tinh thần của Chỉ thị 16 là “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố…”, do đó, phải thực hiện thật nghiêm, chốt thật chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những "vùng xanh" an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn.
Việc quản lý người ở ngoài đường phải rất chặt chẽ, trong mọi trường hợp tuyệt đối không để tập trung đông người.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM đồng thuận phương châm phòng, chống dịch trước hết phải rõ ràng để người dân biết và giám sát. TP.HCM đã kịp thời xử lý một số kiến nghị và tiếp tục kêu gọi người dân tham gia giám sát, công khai tiến độ, kết quả xử lý cụ thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. (Ảnh: Đình Nam)
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và TP.HCM phối hợp chặt chẽ trong tổ chức điều hành công tác lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm,… để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng để giữ vững “vùng xanh”, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, xuống “vùng vàng” và nhanh về an toàn.
Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng lấy mẫu về mà để tồn mẫu, tính toán hài hòa giữa tốc độ lấy mẫu và năng lực xét nghiệm. Lấy mẫu đến đâu phải xét nghiệm và trả kết quả đến đấy; phải đảm bảo đầy đủ thông tin, phân tích dịch tễ để “chỉ điểm” trở lại cho công tác truy vết, lấy mẫu nơi nào trước, nơi nào sau, phương thức xét nghiệm ra sao theo mức độ nguy cơ, “không dàn hàng ngang”.
Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố tổ chức hệ thống tổng đài gọi điện tự động để nắm bắt thông tin sức khoẻ người dân, đến tận nhà lấy mẫu những người có triệu chứng, sau đó ưu tiên xét nghiệm người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, các F1 có nguy cơ cao.
Khu vực sản xuất phải thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc “sản xuất phải tuyệt đối an toàn”, tất cả các nhà máy đều phải “xanh” mới được hoạt động. Doanh nghiệp phải lập danh sách toàn bộ công nhân thực hiện khai báo y tế điện tử, có số điện thoại, địa chỉ liên hệ.
Đến nay, TP.HCM thực hiện xét nghiệm định kỳ cho: Các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 mẫu đơn trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu xét nghiệm nhanh dương tính sẽ thực hiện xét nghiệm ngay mẫu đơn bằng phương pháp RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, xét nghiệm sớm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn thành phố ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. (Ảnh: Đình Nam)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Để đáp ứng diễn biến tình hình, Thành phố sẽ tăng thêm 6.000 giường điều trị (hiện là 20.000 giường), chuẩn bị thêm xe cứu thương, xe y tế để vận chuyển người bệnh.
Bộ Y tế cũng tiếp tục điều động nhân lực gồm các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ điều trị, điều dưỡng, truy vết lấy mẫu theo đúng số lượng thành phố yêu cầu. Bộ cũng đã điều 25 cán bộ lãnh đạo các cục, vụ vào phối hợp trực tiếp với các quận huyện để chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tính hiệu quả trong thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với thực tiễn ở TP.HCM. Trong đó, thành phố cần phát huy sáng tạo, bằng kinh nghiệm thực tế, mạnh dạn thực hiện, vừa làm, vừa điều chỉnh như cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm theo phân nhóm hộ gia đình hộ gia đình, thành viên gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau, phương án cách ly mới đối với những ca F0 đã đủ điều kiện ra viện.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ báo cáo “Bộ Chỉ huy chiến dịch” nếu các hướng dẫn phòng, chống dịch chưa phù hợp với thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết.
Dự kiến những ngày tới số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực nhưng với việc thực hiện nghiêm các quy định theo Chỉ thị 16, điều chỉnh chiến lược chống dịch từ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, đến khoanh vùng, cách ly, điều trị thì TP.HCM sẽ kiểm soát được tình hình.