Ngày 20/5/2021, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã nhận được thư trao thầu hợp đồng tổng thầu EPCI Dự án Gallaf - Giai đoạn 3, gói 05 (còn có tên gọi là Dự án Gallaf Batch 3 EPC 05) của Nhà điều hành dầu khí North Oil Company (NOC), một thành viên liên danh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (Qatar Petroleum) và Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp).
PTSC M&C khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực.
Dự án Gallaf thuộc mỏ Al-Shaheen, nằm ngoài khơi vùng biển Qatar. Al-Shaheen là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Sau một thời gian dài theo đuổi, tham gia vào các quá trình sàng lọc, đấu thầu và đàm phán cho gói thầu Gallaf - Giai đoạn 3, gói 5, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã vượt qua các nhà thầu tên tuổi trong khu vực và thế giới để thắng thầu một cách thuyết phục.
Phạm vi công việc mà Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC thực hiện cho dự án này bao gồm công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử và hoàn thiện ngoài khơi với tổng khối lượng khoảng 19.000 tấn cho 2 giàn đầu giếng.
Việc vượt qua sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chưa từng có giữa các nhà thầu trên thế giới, để được chủ đầu tư NOC tin tưởng trao thầu cho thực hiện dự án này, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC khẳng định quyết tâm tìm kiếm và mang được dự án quốc tế về thực hiện trong nước, đảm bảo công việc làm cho hàng ngàn người lao động và gia đình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; tiếp tục khẳng định định hướng phát triển và cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài của PTSC mà Công ty là đơn vị tiên phong.
Trước đó, PTSC M&C là nhà tổng thầu đã thực hiện và bàn giao thành công 3 giàn đầu giếng của dự án Gallaf Batch 1 cho North Oil Company trong năm 2021. Đây cũng là yếu tố then chốt đem lại sự tin tưởng rất cao của chủ đầu tư NOC trong việc trao thầu gói thầu EPCI05 của dự án Gallaf Batch 3 cho PTSC M&C - một doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh các nhà thầu Việt Nam đang nỗ lực khẳng định tên tuổi không ngừng trên đấu trường quốc tế, có thể nói, cơ khí hàng hải xứng đáng là một trong những đội ngũ tiên phong. Rất nhiều gói thầu trị giá hàng chục triệu USD do các chính phủ mời thầu đã thuộc về đội ngũ kỹ sư lành nghề của cơ khí hàng hải Việt Nam. Trong đó, PTSC M&C đã khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước.
Tuy nhiên, để thắng thầu và thực hiện dự án đúng theo yêu cầu của chủ đầu tư là việc không hề đơn giản, bởi các dự án dầu khí của nước ngoài có những quy định rất khắt khe – đặc biệt là những công trình ngoài khơi. Phải tính toán tất cả các mặt như nguồn lực, tiến độ, an toàn, chất lượng, thầu chính thầu phụ, nhà cung cấp, dòng tiền, chi phí, thuế má… Thực hiện dự án dầu khí mà chỉ cần sơ sẩy thì khó có cửa để được tham gia lần thứ hai. Bởi vậy, PTSC M&C luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành từng dự án với yêu cầu và quyết tâm cao nhất, và đến nay, PTSC M&C đã thực hiện thành công hơn 70 dự án trong và ngoài nước được các khách hàng tuyệt đối tin tưởng.
Thành công của PTSC M&C không đến ngày một ngày hai mà đó là kết quả của quá trình bền bỉ, nỗ lực từng bước. Tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Cơ khí Hàng hải thành lập năm 2001, PTSC M&C chỉ có vỏn vẹn hơn 20 nhân sự với bãi thi công có diện tích 6,3 hecta tại Cảng Hạ lưu PTSC tại TP. Vũng Tàu. Máy móc trang thiết bị và cơ sở vật chất hầu như chưa có, phần lớn phải đi thuê ngoài, doanh thu chỉ đạt vài chục tỷ đồng/năm.
Nhưng rồi với thời gian và với ý chí, nội lực của người Dầu khí, PTSC M&C đã vươn lên với tốc độ khó có thể tưởng tượng nổi. Cuối năm 2005, lần đầu tiên PTSC M&C được mời tham gia đấu thầu quốc tế dự án Bunga Tulip A. Để nắm chắc cơ hội mở ra cánh cửa tương lai, PTSC M&C đã phải trả bằng cái giá không nhỏ, đó là giảm giá thầu thấp nhất có thể. Và bằng những biện pháp thi công tối ưu để hạ tối đa chi phí chế tạo, họ đã thành công.
Tháng 7/2006, dự án Bunga Tulip A hoàn thành. Tuy giá trị kinh tế không cao, song thành công lớn hơn cả chính là đã chiếm được lòng tin của các bạn hàng quốc tế, đồng thời thổi bùng lên nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tất cả CBNV.
Từ đó, cái tên PTSC M&C bắt đầu trở nên quen thuộc trong các cuộc đấu thầu khu vực. Giữa năm 2007, PTSC M&C lại tiếp tục thắng thầu dự án Sư Tử Đen Đông Bắc của Cửu Long JOC và bắt đầu thời hoàng kim với hàng loạt dự án tầm cỡ quốc tế có độ khó về kỹ thuật, giá trị kinh tế cao. Nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí này đã liên tiếp hoàn thành các dự án phát triển mỏ Chim Sáo của Premier Oil, dự án Tê Giác Trắng của Hoàng Long JOC.
Đặc biệt, PTSC M&C đã vinh dự góp phần thực hiện dự án khổng lồ Biển Đông 01 trị giá hơn nửa tỷ USD của Biển Đông POC. Dự án này khai thác khí và dầu condensate tại cụm mỏ Hải Thạch- Mộc Tinh, cách TP Vũng Tàu về phía Đông Nam gần 400km. Đây là dự án khai thác khí ở khu vực có cấu tạo địa chất vào loại đặc biệt nhất trên thế giới, bởi nhiệt độ cao tới 173 độ C và có áp suất vỉa cực kỳ lớn - hơn 70 atmosphere.
Việc chế tạo giàn khai thác và giàn xử lý khí cho cụm mỏ này cũng đòi hỏi kỹ thuật rất cao… Để hoàn thành giàn Công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được tích lũy hiệu quả và dùng rất nhiều bản vẽ thiết kế chi tiết, phức tạp.
Trong thời gian thi công cao điểm, Ban Quản lý dự án đã phải huy động nguồn lực hơn 3.000 cán bộ kỹ sư, công nhân lao động tay nghề cao, làm việc 24/24 giờ để đáp ứng thực hiện hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả công trình thi công.
Sau dự án này, PTSC M&C đã có một bước đại nhảy vọt, trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có khả năng làm tổng thầu EPCI, tự thi công chế tạo giàn công nghệ trung tâm (CPP) và các dự án quy mô lớn, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, phức tạp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về chất lượng, an toàn, sức khỏe và môi trường. Công ty được mời tham gia tất cả các gói thầu quốc tế trong khu vực, đấu và trúng thầu nhiều dự án nước ngoài.
Tác giả Nguyễn Như Phong.
Năm 2020, PTSC M&C nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng cụm công trình KHCN, thực hiện thành công thiết kế, thi công, chế tạo và lắp đặt khối thượng tầng CPP-SV có khối lượng hạ thủy 15.500 tấn (bao gồm dầm hạ thủy), dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt của chủ đầu tư Idemitsu Kosan. Trong quá trình triển khai dự án này, có nhiều sự thay đổi về kế hoạch và tiến độ thi công của các dự án liên quan, đặc biệt là sự thay đổi của dự án CRD - TLWP. Ngày 31/5/2020, khối thượng tầng giàn CPP-SV được hạ thủy an toàn xuống sà lan, đánh dấu mốc thành công rất quan trọng trong tiến trình dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt.
Từ chỗ chỉ làm thi công chế tạo đơn thuần, PTSC M&C tiến lên một bước làm nhà thầu mua sắm, thi công. Rồi tiến một bước dài lên tổng thầu trọn gói, bao gồm cả làm thiết kế, vận chuyển lắp đặt, chạy thử. Lúc đầu chưa có nguồn lực thì thuê thầu phụ, lấy kinh nghiệm quản lý. Sau đó thì phát triển luôn cả đội ngũ thiết kế để tự thực hiện cho các dự án của mình. Hiện tại, PTSC M&C có hơn 300 kỹ sư thiết kế, làm được gần như tất tần tật các công việc liên quan đến thiết kế như thiết kế cơ sở (FEED), thiết kế chi tiết (Detailed Design), thiết kế mua sắm, thiết kế thi công..
Với các dấu mốc thành công của các dự án như Biển Đông 01, dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt và gần đây là Dự án Gallaf Batch 3 EPC 05, có thể khẳng định PTSC M&C không còn ở vị thế “nhờ” liên danh để khẳng định thương hiệu mà đã thực sự làm chủ được công nghệ thi công các công trình dầu khí biển siêu trường siêu trọng, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm của con người Việt Nam. Đây là một vị thế mà rất nhiều mồ hôi, công sức của đội ngũ kỹ sư, thợ lành nghề cơ khí hàng hải dày công vun đắp.