Chiều 17/5, sau 3 ngày xét xử, nghị án, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác.
Đặc biệt cấp phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự với ông Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính CDC Bình Dương (án sơ thẩm 24 tháng tù treo).
Theo HĐXX, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Phong chịu sự lệ thuộc, chỉ đạo từ cấp trên, không hưởng lợi. Ngoài ra, bị cáo Phong được Sở Y tế Bình Dương, CDC Bình Dương và nhiều công chức có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Trong số các bị cáo thuộc CDC Bình Dương liên quan vụ án, so sánh trách nhiệm với ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương (người được miễn trách nhiệm hình sự), ông Phong có chức vụ, quyền hạn thấp hơn.
Mặt khác, Viện Kiểm sát cả hai cấp đều đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. "Việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo thể hiện việc phân hóa vai trò, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt với bị cáo", cấp phúc thẩm nêu.
Bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính CDC (áo nâu, hàng dưới).
Tại phiên phúc thẩm, ông Phong là bị cáo duy nhất được hưởng án treo nhưng vẫn kháng cáo. Trước kháng cáo này, chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo: “Bị cáo được hưởng án treo, vậy xin giảm nhẹ là giảm nhẹ đến mức nào nữa?”. Bị cáo Phong cho biết, bị cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Chủ tọa phiên tòa đã giải thích cho bị cáo về xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự và xin miễn hình phạt. Sau đó, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo xác nhận xin giảm nhẹ như thế nào.
Bị cáo Trần Thanh Phong khẳng định vẫn kháng cáo, xin miễn trách nhiệm hình sự với lý do, bị cáo chỉ là cấp dưới, làm theo chỉ đạo cấp trên, không được hưởng lợi, không được ai đưa tiền.
“Ông Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự, trong khi bị cáo chỉ là cấp dưới, thực hiện theo chỉ đạo, không được hưởng lợi”, bị cáo Trần Thanh Phong nói.
Ngoài ông Phong, tòa phúc thẩm còn giảm án cho một số bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thanh Long từ 18 năm tù xuống còn 17 năm tù. HĐXX nhận định rằng, bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm nộp thêm 1 tỷ đồng, ngoài 2,25 triệu USD nhận hối lộ đã nộp đủ, được xem là tình tiết mới. Mặt khác bị cáo Long là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học được đánh giá cao, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận, đánh giá ngoài phạm vi Việt Nam. Ông Long cũng là giáo sư góp phần đào tạo ra nhiều tiến sĩ y khoa.
"Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo để giúp bị cáo Long sớm trở về xã hội, trở thành công dân có ích", bản án phúc thẩm nêu.
Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương được tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo giảm 1 năm, còn 12 năm tù tội Nhận hối lộ.
Hai bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC Bình Dương và Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC Bắc Giang cũng được chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án 24 tháng và 30 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cũng được chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm từ 7 năm còn 6 năm 3 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".
Y án lãnh đạo Công ty Việt Á
Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị tuyên y án 29 năm tù tổng cộng đối với tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ".
Đối với các kháng cáo của Công ty Việt Á, mẹ và vợ của bị cáo Việt, tòa phúc thẩm thấy không có căn cứ chấp nhận. Theo đó, tòa phúc thẩm quyết định tiếp tục phong tỏa, kê biên sổ tiết kiệm trị giá hơn 430 tỷ đồng liên quan đến Phan Quốc Việt để đảm bảo thi hành án.
Theo tòa phúc thẩm, lời khai của Việt, các bị cáo, người có quyền lợi liên quan cho thấy, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ cùng Bộ KH-CN giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test, sau đó chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành Kinh tế kỹ thuật để Việt Á được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Sau đó, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long... can thiệp, tác động, chỉ đạo để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19. Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Theo cáo buộc, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng.
Hành vi của Phan Quốc Việt và đồng phạm gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng tại 19 tỉnh, thành khi mua kit test đã bị nâng khống giá. Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỷ đồng cho các cựu quan chức. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long được "cảm ơn" 2,25 triệu USD.
Tòa cũng tuyên y án với bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN) các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN) 14 năm tù tội Nhận hối lộ.
Bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị y án 7 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm tù về tội đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt chung là 15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang, cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT y án sơ thẩm là 30 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á y án sơ thẩm 30 tháng tù về Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.