Sau bữa tối, chị Trần Ngọc Thuỷ (34 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vội vàng chở cô con gái 5 tuổi, tên gọi ở nhà là Phộng đến lớp học thêm. Lớp học tiền tiểu học của bé bắt đầu từ 19h đến 21h30, tuần 3 buổi vào các thứ ba, năm, bảy.
Tháng 9 tới, bé Phộng sẽ vào lớp 1. Chị Thủy mong con thi vào trường tư thục chất lượng cao, điều kiện thi tuyển của trường đưa ra là các bé phải nhận biết mặt chữ, số, cầm bút, có các kỹ năng vẽ, hát và tự lập. Đó là lý do chị tìm hiểu và đăng ký cho con lớp tiền tiểu học.
Phụ huynh cho con tham gia các lớp tiền tiểu học. (Ảnh minh hoạ: T.H)
Bé Phộng học cùng 4 bạn nhỏ khác tại nhà cô giáo. Trung bình, mỗi buổi học giá 250.000 đồng (tổng 1,2 triệu đồng/số học sinh). Tại đây, cô sẽ dạy các con nhận biết mặt chữ, tập đọc 29 chữ cái, cao hơn là ghép vần, ghép âm. Cô cũng dạy học sinh tập viết số, làm các phép toán từ đơn giản đến khó dần và một số kỹ năng khác cho các con làm quen với lớp 1.
"Trải qua gần hai tháng học, con tiến bộ hơn rất nhiều. Thay vì ở nhà được bố mẹ nuông chiều chỉ xem phim hoạt hình, nhõng nhẽo, không mấy kỷ luật thì nay con bắt đầu biết cầm bút viết chữ, học hết bảng chữ cái, đang tập đánh vần và ngoan hơn nhiều", vị phụ huynh nói và cho rằng, cho con học tiền tiểu học không hề xấu, chỉ là một số người đang hiểu chưa đúng hoặc quan điểm dạy con mỗi người một khác.
Bé Phộng là con thứ 2 trong nhà nên chị từng có kinh nghiệm khi bé đầu vào lớp 1. Cách đây 3 năm, chị không cho con học tiền tiểu học, chủ yếu ở nhà bố mẹ tự dạy kết hợp với cô giáo mầm non trên lớp. Tuy nhiên, khi vào đến lớp 1 - chương trình giáo dục phổ thông mới (năm học 2019 - 2020), con vất vả để bắt kịp chương trình học.
"Các bạn cùng lớp đều đọc thông viết thạo ngay từ đầu lớp 1 vì được đi học trước, trong khi con tôi vẫn ê a từng chữ chưa xong. Cô giáo cũng nhắc nhở gia đình kèm thêm tại nhà để bắt kịp tốc độ học của các bạn trong lớp", chị nói và cho biết đó là lý do chị quyết cho con học lớp tiền tiểu học, "khổ trước sẽ sướng sau".
Hai năm qua, trường mầm non đóng cửa suốt vì dịch bệnh COVID-19, cũng là chừng ấy thời gian bé Tôm nhà chị Lê Thị Thu Hiền (37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) phải ở nhà. Chị cho biết, nhẽ ra thời điểm này các con đã được cô giáo ở trường hướng dẫn nhận biết mặt chữ và số. Bố mẹ bận rộn, lại không có chuyên môn nên không thể kèm cặp, khiến việc học của con bập bõm. Chị lo khi vào lớp 1, bé Tôn khó theo nổi.
Sau nhiều ngày đắn đo, vợ chồng chị quyết định tìm lớp tiền tiểu học cho con. Trên hội nhóm phụ huynh, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm học lớp tiền tiểu học, giá thấp nhất khoảng 100.000 đồng/học sinh, cao nhất 300.000 đồng/học sinh. Chị Hiền rủ thêm một vài người bạn cùng cho con theo học. Chị mở lớp tại nhà, mời cô giáo về dạy, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tiết kiệm thời gian đưa đón con mỗi ngày.
Lịch học của bé Tôm bắt đầu từ 19h30 tối đến 21h30, tuần 3 buổi, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Cô giáo sẽ dạy các con cách cầm bút đúng chuẩn, nắm vững bảng chữ cái, cách ghép vần, đọc đánh vần, đọc trơn; làm quen với các con số và phép cộng trừ cơ bản.
Theo đề nghị của nhóm phụ huynh, cô giáo rèn thêm các kỹ năng như tư thế ngồi học, tác phong, khả năng tập trung, cách làm việc nhóm, cách giao tiếp và tinh thần tự giác học tập... Sau tháng đầu tiên, chị dần yên tâm và sẵn sàng chuẩn bị cho con bước vào lớp 1 năm học tới. Chị cũng dự tính sẽ cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm.
(Ảnh minh hoạ: H.T)
Cô Nguyễn Phương Anh, trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, hàng năm, lớp tiều tiểu học mở ra từ tháng 3, nhưng năm nay do dịch bệnh nên trào lưu diễn ra muộn hơn. Việc dạy lớp tiền tiểu học hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
"Tôi không phản đối việc phụ huynh cho con học các lớp tiền tiểu học, nhưng việc này không thật sự cần thiết", cô nói và cho biết, khi bắt đầu vào lớp 1, cô giáo sẽ dành khoảng 1 đến 2 tuần đầu để rèn cho học sinh các thói quen tự giác học, các ngồi học, cách cầm phấn, bảng, bút... Song song với đó, giáo viên cũng rèn cho học sinh tập đọc và tập viết.
"Thời gian đầu, học sinh được học lớp tiền tiểu học sẽ nhanh hơn các bạn khác, giáo viên cũng nhàn hơn. Tuy nhiên, qua một học kỳ đầu tiên, trình độ và tốc độ học của các con là ngang nhau", cô nhận xét.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thu Nga, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trước khi con vào lớp 1, tâm lý chung phụ huynh đều lo con sẽ không bắt kịp các bạn. Tuy nhiên, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính học sinh. Việc học trước cũng dẫn đến hệ luỵ giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có em biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.
Mặt khác, chương trình lớp 1 hiện hành được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng 4 tiết, chiều không quá 3 tiết. Trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Do đó, phụ huynh không nên lo lắng và đặt ra chuyện phải cho trẻ học tiền lớp 1.