Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chị Vân Anh (Hà Nội) chuyển sang làm việc tại nhà để trông con gái 5 tuổi (tên thường gọi là Mèo). Cuộc sống hai mẹ con xáo trộn nhưng không nhiều. Ảnh hưởng lớn nhất là mỗi chiều, chị không còn đón bé tan học rồi hai mẹ con ghé công viên đi bộ, trượt patin như trước.
“Công viên đóng cửa, khoảng thời gian vận động ngoài trời của Mèo giảm đi nhiều. Với điều kiện hiện tại, duy trì việc luyện tập ngoài trời thường xuyên gần như là điều không thể. Tôi cũng rất hạn chế cho con ra khỏi nhà, kể cả đưa đến siêu thị hay một số địa điểm công cộng khác”, chị Vân Anh chia sẻ.
Gia đình chị Vân Anh chọn nơi vắng vẻ để có thể tận hưởng thiên nhiên sau thời gian dài ở nhà nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống COVID-19. (Ảnh: V.A)
Việc ở trong nhà thời gian dài không dễ chịu. Do đó, nữ phụ huynh này tìm cách để gia đình giải tỏa, con có chút thời gian vận động ngoài trời, chơi đùa với thiên nhiên.
Nhà vốn thích cắm trại, chị tìm một số điểm vắng vẻ, an toàn rồi gia đình tự lái xe đến đó. Đồ ăn hay các vật dụng cần thiết đều được chuẩn bị trước. Tới nơi, họ chỉ việc dựng trại, nấu đồ và chơi với nhau.
Trước mỗi chuyến đi, chị Vân Anh tìm hiểu rất kỹ, đảm bảo việc vui chơi của gia đình không ảnh hưởng gì công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ đầu đợt dịch đến nay, họ chỉ thực hiện hai chuyến cắm trại, đủ để bớt bức bối khi thành phố ngưng quán xá, đóng công viên, trường học do dịch.
“Tâm lý của cả người lớn và trẻ em đều được giải tỏa. Tôi vẫn luôn tin vào sức mạnh của thiên nhiên. Mỗi chuyến đi như vậy, dù có nô đùa cả buổi, quên mất giấc ngủ trưa, về nhà vẫn thấy khoẻ ra”, người mẹ tâm sự.
Thông thường, nữ phụ huynh sắp xếp hoàn thành công việc của mình vào buổi sáng. Lúc đó, Mèo chủ động và tự do lựa chọn các hoạt động mình thích. Bé có thể là đọc sách (con chưa biết chữ nhưng rất thích xem đi xem lại một số cuốn sách), chơi đồ chơi, vẽ tranh... hoặc dọn dẹp, sắp xếp lại món đồ của mình.
Buổi chiều, hai mẹ con bắt đầu bằng việc học và chơi những bài toán tư duy, mê cung, câu đố... do chị Vân Anh chuẩn bị trước. Sau đó, chị dành một ít thời gian cho con làm quen chữ cái.
Đến tối, Mèo đều đặn dành thời gian cho việc tự học tiếng Anh. Hai mẹ con đồng hành tự học tiếng Anh khoảng một năm.
Các hoạt động cần sự tương tác giữa hai mẹ con được sắp xếp vào buổi tối hoặc cuối tuần để nữ phụ huynh có thể dành trọn vẹn thời gian cho con. Nhìn chung, thời gian nghỉ dịch, hai mẹ con duy trì thói quen đồng hành với nhau, chỉ là bà mẹ trẻ có thêm thời gian ở nhà. Họ chọn hoạt động, sách, trò chơi, chương trình để cùng học và chơi với nhau.
Từ trước dịch, chị Vân Anh đã luôn đồng hành với con trong việc học, chơi nên những ngày con nghỉ vì dịch không quá xáo trộn. (Ảnh: V.A)
Chị Vân Anh tâm sự tổi còn nhỏ nhưng Mèo biết tôn trọng không gian, thời gian làm việc của mẹ. Bé tự học, tự chơi, dọn dẹp, làm một số việc tự chăm sóc cá nhân và những việc trong khả năng.
Chị chỉ tìm hiểu, cung cấp đồ chơi, sách truyện, tài liệu cho con. Khoảng thời gian chung của hai mẹ con được tận dụng để có thể học và chơi với nhau vui vẻ, hiệu quả nhất.
“Nhờ vậy, khi dịch xảy ra, con nghỉ học, cuộc sống có xáo trộn nhưng vẫn có thể xoay sở được. Và dù dịch hay không, tôi nghĩ vẫn nên duy trì thói quen này, chỉ điều chỉnh lịch sinh hoạt cho phù hợp tình hình”, bà mẹ một con tâm sự.
Tuy nhiên, người mẹ này thừa nhận khi vừa làm việc vừa trông con, chị bận rộn hơn nhiều, thậm chí có lúc “quay cuồng” do khối lượng công việc lớn.
“Tôi cũng không thể yêu cầu em bé gần 5 tuổi lúc nào cũng thoải mái chờ đợi mẹ với tâm trạng đáng yêu hay mọi chuyện đều diễn ra trơn tru, không có bất cứ sự cố gì”, chị Vân Anh nói.
Lúc mệt hay tâm trạng không tốt, chị đều thương lượng với con chờ thêm một lát để mình bớt mệt hoặc tâm trạng mẹ tốt hơn, chị sẽ cùng con thực hiện điều con muốn. Những lúc đó, Mèo đều biết thông cảm cho mẹ.