Ba trận thua và chưa thể ghi nổi một bàn thắng nào, giải đấu đầu tiên của tân HLV trưởng Philippe Trousier cùng U23 Việt Nam đã kết thúc với nhiều hoài nghi dành cho vị chiến lược gia vốn dĩ nhận được nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Triết lý mà ông Trousier áp dụng liệu có phù hợp, hay triết lý ấy cần thời gian để các cầu thủ làm quen và áp dụng một cách hiệu quả? Chuyên viên phân tích Vũ Đức Thành chỉ ra những điểm mấu chốt trong phong cách chiến thuật của HLV Troussier và lý do U23 Việt Nam chưa thể hiện tốt.
U23 Việt Nam 0-4 U23 UAE
Nhìn vào màn trình diễn của U23 Việt Nam tại giải giao hữu Doha Cup, có thể nhận thấy những phương án chiến thuật rõ ràng của HLV Troussier để cụ thể hóa tất cả những phát biểu của ông trước giới truyền thông trong mục tiêu tạo nên một định hướng chơi bóng mới cho đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Cũng là sơ đồ 3 trung vệ, nhưng định hướng lối chơi của ông Troussier khác người tiền nhiệm.
Thành công của ông Park Hang Seo với một triết lý chơi bóng có phần trái ngược ắt hẳn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu những gì ông Philippe Trousier đang cố gắng thực hiện có phù hợp với những cầu thủ mà ông đang làm việc cùng?
Điều ông Trousier đang thực hiện với những cầu thủ trẻ của mình có chăng chỉ là tinh chỉnh khu vực hoạt động, thói quen của các cầu thủ ở từng thời điểm liên quan đến trái bóng. Cụ thể, U23 Việt Nam biết cách phòng ngự ở mọi khu vực trên sân, biết cách sử dụng trái bóng ở một nhịp độ chậm hơn nhằm tạo ra cơ hội ghi bàn.
HLV Troussier áp dụng phong cách chiến thuật khác người tiền nhiệm cho U23 Việt Nam.
Cách định nghĩa lối chơi “kiểm soát bóng” hay “phòng ngự - phản công” dường như đang bị quan trọng hóa hơn những gì nó thể hiện? Bởi lẽ, cả ông Park Hang Seo và ông Philippe Trousier chỉ đơn giản là có những yêu cầu khác nhau cho các cầu thủ ở thời điểm họ không có bóng, ở thời điểm họ có bóng trong chân và ở các thời điểm chuyển đổi nhằm hướng đến mục đích cao nhất trong một trận đấu bóng đá là hiệu quả và kết quả.
Đó là lúc sự phù hợp cho những yêu cầu cụ thể của hai vị HLV này được đặt ra so sánh trên bối cảnh những con người họ có trong tay.
Thứ nhất, khu vực phòng ngự của U23 Việt Nam là 1/3 sân đối phương. Hay nói cách khác, đội bóng của HLV Trousier luôn muốn hướng đến việc gây áp lực tầm cao, nhằm đoạt loại quyền kiểm soát bóng. Thứ hai, ở thời điểm có bóng, cấu trúc đội hình, tư thế nhận bóng, tốc độ luân chuyển và định hướng trong các đường chuyền đều có những dấu ấn huấn luyện nhất định.
Khu vực phòng ngự của U23 Việt Nam dưới thời HLV Trousier
Cũng với sơ đồ chiến thuật 3-4-3 tương tự như người tiền nhiệm Park Hang Seo, ông Trousier yêu cầu các học trò gây áp lực ngay từ thời điểm đối phương triển khai từ sân nhà. Khi đó, sơ đồ 3-4-3 được thay đổi thành hệ thống 5-2-3.
Trong 20 phút đầu tiên thi đấu với đầy đủ quân số trước U23 Iraq, đội bóng của ông Trousier gần như khống chế toàn bộ các tình huống triển khai bóng từ đối thủ. Chúng ta hoặc đoạt bóng ngay trên phần sân đối phương với nhóm 3 tiền đạo và 2 tiền vệ ở phía trước, hoặc kiểm soát tốt các tình huống bóng dài với nhóm 5 hậu vệ ở phía sau.
Đó có thể xem là một trong những dấu hiệu tích cực nhất ngay từ những phút đầu tiên dưới triều đại của vị chiến lược gia 68 tuổi, và cũng là thứ được các cầu thủ duy trì tốt sau 3 trận đấu đã qua.
Để hướng đến việc cải thiện tỉ lệ kiểm soát bóng như HLV Trousier vẫn mong muốn, đoạt lại quyền kiểm soát bóng là thứ tiên quyết.
U23 Việt Nam đẩy cao đội hình, gây áp lực từ thời điểm đối thủ bắt đầu triển khai bóng, thể hiện tính đồng bộ ở khu vực phòng ngự tầm cao. Không ít lần U23 Việt Nam đoạt bóng ngay trên phần sân đối phương tại Doha Cup.
Thay đổi của vị chiến lược gia người Pháp là thứ có thể được thấy một cách rõ rệt. U23 Việt Nam sẵn sàng sử dụng những đường chuyền ngắn từ thủ môn, sẵn sàng giữ bóng trong chân từ khu vực 1/3 giữa sân với một cấu trúc đội hình cân bằng hơn, với một tốc độ chơi bóng điềm tĩnh hơn, và với những định hướng cụ thể hơn.
Có thể nhận thấy được những hành động di chuyển được lặp đi lặp lại từ đội bóng được dẫn dắt bởi ông Troussier trong thời điểm kiểm soát bóng từ 1/3 giữa sân.
Cặp hậu vệ biên dâng cao, chơi rộng, để không gian giữa sân cho 3 tiền đạo hoạt động. Một trong 2 tiền vệ trụ luôn có tư thế giật lại ngang hàng các trung vệ, và đặc biệt là luôn tạo ra tư thế hỗ trợ hợp lý để tạo tính liên tục trong tình huống triển khai bóng.
Những gì thầy trò HLV Troussier thể hiện tại Doha Cup trong thời điểm gây áp lực tầm cao chứng minh rằng U23 Việt Nam hoàn toàn có thể đoạt lại quyền kiểm soát bóng trong chân những đối thủ có nền tảng sức mạnh tốt hơn bằng một phương thức khác.
Cấu trúc đội hình đã thay đổi, tốc độ triển khai bóng đã thay đổi, cách chọn vị trí của từng cầu thủ cũng đã ít nhiều được tinh chỉnh để hướng đến một nhịp độ tấn công hiện đại hơn cho U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, những chi tiết nhỏ để tạo ra hiệu quả lớn vẫn là thứ còn thiếu với đội bóng của ông Troussier. Ý tưởng được thể hiện, nhưng chưa hiệu quả và thành tích của U23 Việt Nam sau 3 trận không tốt.
Sẵn sàng tạo tư thế hỗ trợ, chọn vị trí để triển khai bóng từ 1/3 sân nhà.
Ví dụ tương đối cơ bản cho thấy cách thức triển khai bóng của U23 Việt Nam thời HLV Troussier và những điểm trục trặc diễn ra chỉ 8 phút sau khi trận đấu đầu tiên của ông Troussier cùng U23 Việt Nam bắt đầu. Đó là khi U23 Việt Nam kiểm soát bóng ở 1 biên, cố gắng tạo sự hỗ trợ và có thói quen chuyển hướng.
Đức Việt giật lại tạo tư thế hỗ trợ kiểm soát bóng, với định hướng cụ thể là một pha chuyển hướng sang biên trái cho cầu thủ chạy cánh Võ Minh Trọng. Song, đường chuyền ấy đã được hậu vệ cánh phải của U23 Iraq kiểm soát một cách tương đối đơn giản.
Có thể thấy, từ thời điểm Công Đến nhận bóng và trả ngược lại cho Đức Việt, Khuất Văn Khang di chuyển theo chiều sâu theo bài cơ bản của một tiền vệ tấn công trong sơ đồ 3-4-3. Điểm mấu chốt là hành động đó của Văn Khang không sai, nhưng không được thực hiện đồng bộ và đúng thời điểm.
Đó chính là khoảnh khắc cho thấy vấn đề của U23 Việt Nam khi vận hành lối chơi theo một cách khác phức tạp hơn so với phong cách thời ông Park Hang Seo.
U23 Việt Nam không ghi bàn trong 3 trận đầu tiên dưới thời HLV Troussier.
Ví dụ khác rõ rệt hơn là tình huống sai lầm của Phan Tuấn Tài dẫn đến tấm thẻ đỏ cho Vũ Tiến Long. Ông Trousier muốn một trong hai tiền vệ trụ trong sơ đồ 3-4-3 của mình giật lại để có tư thế hỗ trợ và luân chuyển bóng tốt hơn. Trong cùng thời điểm ấy, trung vệ lệch sẽ mở rộng để tạo tính liên tục trong nhịp kiểm soát bóng ở tốc độ chậm.
Khi Tuấn Tài – một trong những cầu thủ có thời gian làm việc nhiều nhất với ông Trousier – có bóng, Huỳnh Công Đến có tư thế giật lại để hỗ trợ, trong khi trung vệ lệch Lương Duy Cương đồng thời có động thái mở rộng.
Phản xạ của Tuấn Tài diễn ra một cách có phản xạ là chuyển hướng tấn công, nhưng vấn đề nằm ở chỗ hành động này không được thực hiện đồng thời với thời điểm di chuyển của Công Đến và Duy Cương. Sự thiếu đồng bộ và tính thông tin dẫn đến sau lầm của Tuấn Tài.
U23 Việt Nam có thể giành lại bóng ở sân đối phương, nhưng không tổ chức tấn công tốt sau đó.
Kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ dường như không phải nguyên nhân lớn nhất cho việc U23 Việt Nam không thể có được sự hiệu quả khi kiểm soát bóng. Sau hơn 20 ngày làm việc với vị tân HLV, các cầu thủ trẻ của U23 Việt Nam dường như chưa đạt được sự đồng bộ cao nhất trong các bước di chuyển cùng nhau để tạo nên tính nhuần nhuyễn trong thời điểm với bóng, trước khi hướng đến việc tạo ra khoảng trống và đưa bóng vào khu vực 16m50.
Cũng như ví dụ trước đó với Quốc Việt – Văn Khang – Minh Trọng, phản xạ của các cầu thủ đã được hình thành, nhưng những chi tiết nhỏ nhất lại chưa được thực hiện đồng thời và đồng bộ.
Câu trả lời cho sự đồng bộ, tính cân bằng chỉ có thể được trả lời bằng thời gian. Thời gian làm việc trên sân tập, thời gian làm việc bằng băng hình. Thuốc thử lớn nhất cho thời gian làm việc của ông Trousier và các học trò sẽ đến trong một tháng nữa – SEA Games 32.
Sự khác biệt về đẳng cấp của những đối thủ tại Doha Cup và SEA Games 32 là điều có thể nhận thấy một cách rõ ràng. Đó sẽ là giải đấu để HLV Trousier đưa ra câu trả lời cho bài toán về sự hiệu quả trong các phương án tấn công, tính hợp lý của khu vực và hệ thống phòng ngự, cũng như sự cân bằng về mặt thể chất với lối chơi của mình.
Chúng ta có thể chờ đợi một bộ mặt hiệu quả hơn của U23 Việt Nam khi có bóng, khi gây áp lực tầm cao, và đặc biệt, là một hình ảnh U23 Việt Nam cân bằng hơn trong việc phân phối thể lực ở một giải đấu mà bản thân chúng ta không còn thua kém nhiều về sức mạnh, tốc độ.
HLV Troussier phải điều chỉnh cho U23 Việt Nam trước SEA Games 32.
Phần lớn những bàn thua mà chúng ta phải nhận tại Doha Cup đến ở hiệp thi đấu thứ 2, nơi sự mệt mỏi của cơ bắp dẫn đến sự thua thiệt ở những tình huống tranh chấp cả về sức mạnh và tốc độ. Đoạt lại bóng ngay từ phần sân đối phương, kiểm soát bóng hiệu quả hơn, buộc đối thủ phải tốn thể lực hơn và duy trì nền tảng sức mạnh trong suốt 90 phút dường như là vòng lặp mà ông Trousier sẽ hướng đến với quan điểm bóng đá của mình. Tính hệ quả của những yếu tố kể trên được diễn ra một cách chặt chẽ và mật thiết lẫn nhau.
Ông Trousier và U23 Việt Nam sẽ có thêm thời gian làm việc để chứng minh thực lực của mình với quan điểm bóng đá ấy. Một khi chúng ta có được sự cải thiện ở tất cả các thời điểm liên quan đến trái bóng trong một trận đấu, có thể U23 Việt Nam sẽ trình diễn một bộ mặt hoàn toàn khác ở cả yếu tố chiến thuật lẫn thể chất.
3 trận đấu và chưa đầy một tháng làm việc vẫn là quá sớm để đánh giá năng lực và sự phù hợp mà những gì HLV Trousier đang làm.