Chiều 2/7, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 ngày 30/6 đã tổ chức tham vấn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài 1-2 năm nữa.
Theo Phó Thủ tướng, một số nước đang tiến nhanh trong việc nghiên cứu vắc xin phòng dịch COVID-19; nhưng để vắc xin đến được với người Việt Nam thì ít nhất phải đợi cuối năm sau. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần thực hiện quyết liệt mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch”.
"Tinh thần thì Thủ tướng đã xác định, chúng ta phải kiên định ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào, lộ trình mở cửa phải rất chặt chẽ. Đặc biệt lưu ý kiểm soát tuyến biên giới, phải hết sức cảnh giác", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương, chính quyền, các lực lượng công an, quân đội và y tế vẫn còn rất vất vả trong công tác chống dịch: “Ví dụ như ở Vĩnh Phúc, TP.HCM, Bình Dương, đêm hôm kia và ngày hôm qua, anh em mất ngủ, không ăn theo đúng nghĩa đen”.
Cũng trong cuộc họp, ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, năm 2021, Việt Nam sẽ tiến hành liên thông y tế toàn quốc, người dân có thể đi khám ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nếu không thay đổi căn bản phương thức thanh toán bảo hiểm thì sẽ có nguy cơ vỡ quỹ.
“Chúng tôi đã rất khẩn trương trong những tháng qua, chỉ định 5 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên -Huế và Cần Thơ tiên phong thí điểm áp dụng phương thức thanh toán mới từ 1/7, theo định mức và ca bệnh. Dự kiến đến cuối năm sẽ đánh giá và năm sau áp dụng chính thức. Ngành y tế sẽ phổ biến phương thức tính để các tỉnh sẵn sàng”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.