Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý IV năm 2019 và cả năm 2019, định hướng công tác điều hành giá năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp sáng 25/12. ( Ảnh: VGP)
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Năm nay, tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt trên 7% và đây là năm thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trên 7%. Kinh tế vĩ mô phát triển ổn định. Bên cạnh đó, (lạm phát chỉ số giá tiêu dùng - CPI) ở mức 2,73%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP”.
Lạm phát trong năm 2019 cũng ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, so với mức 3,54% của năm 2018 và 3,53% của năm 2017. Chỉ số này ở dưới mức dự báo của Ban Chỉ đạo từ đầu năm (từ 3,3-3,9%).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu Bộ Y tế đưa chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thì chỉ số lạm phát sẽ tăng ở mức 3,3-3,9%, vẫn trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện đưa giá dịch vụ công theo thị trường.
Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, chỉ số CPI trong năm 2019 tăng 2,73% là do nhiều nguyên nhân, xuất phát từ việc gia tăng giá của các mặt hàng thiết yếu.
Trong đó có nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch); giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng do nhu cầu và chi phí đầu vào.
Nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thịt lợn trong nước cũng chịu áp lực lớn từ biến động giá thịt lợn thế giới tăng cao, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến nguồn cung thịt sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân giúp giảm giá cả bao gồm giá lương thực, giá dầu, gas, viễn thông, đường giảm...