Phải đảm bảo mục tiêu kép
Chiều 17/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 63 tỉnh, thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.
Theo Phó Thủ tướng, điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng.
Vì vậy, phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Trong công tác điều trị, hiện nay chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa.
Còn nếu nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn ta nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người chết thì không chỉ thiệt hại về tính mạng con người, về xã hội mà thiệt hại kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải quán triệt mục tiêu kép nhưng vẫn phải ưu tiên hơn cho kiểm soát dịch bệnh.
“Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Chung sống an toàn nhưng không chủ quan
Theo Phó Thủ tướng, vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Có an toàn mới phát triển được.
Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2.
Dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người,… Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.
Với từng lĩnh vực cụ thể, đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần,… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế.
Với giáo dục, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Học sinh khi đi học trở lại phải an toàn.
Thứ ba là đi lại phải an toàn. Chúng ta hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào,…
Ban Chỉ đạo quốc gia họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành. (Ảnh: VGP)
Với sản xuất, kinh doanh, từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ở từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán như thế nào cho an toàn.
Các hoạt động của các cơ quan công quyền cũng phải an toàn. Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.
Cuối cùng là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch. Trước mắt chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn.
Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú,… đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ngành văn hóa, du lịch cần chủ động hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để sẵn sàng khi tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn.
“Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều chỉnh tích cực
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi, điều chỉnh tích cực đã nhận ra từ lâu và cũng đã có thay đổi nhưng còn chậm khi không có dịch và trong điều kiện dịch bệnh thì những điều này diễn ra nhanh hơn.
Dễ thấy nhất là các giải pháp thực hiện chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của thời đại số hóa, của cuộc cách mạng 4.0. Từ việc hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử,... sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Thứ hai là trong cuộc sống, trong sinh hoạt có rất nhiều lề thói, phong tục không còn phù hợp mà chúng ta cố gắng yêu cầu, kêu gọi mọi người thay đổi nhưng vẫn còn chậm như chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng hay các lễ hội còn xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống,… Thậm chí không ít thói quen có tính gia đình, cá nhân cũng nên được thay đổi như bắt tay nhau khi đang ăn uống, dùng chung bát, đĩa,… không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại.
Chính trong lúc dịch bệnh này, chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại để thúc đẩy những điều chỉnh tích cực ở mọi tầng nấc, quy mô, từ trong cơ quan công quyền, nhà nước ra doanh nghiệp, cộng đồng; từ quy mô toàn xã hội, tập thể, gia đình và tới từng cá nhân.
“Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực nhanh hơn theo hướng đúng đắn. Tôi mong rằng các bộ ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. Mặc dù còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng nói.
Video: Vì sao các bệnh nhân COVID-19 nên được đặt nằm sấp?