Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết như vậy tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3. Theo ông Hà, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng đến 2 phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đồng ý dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mỗi ngân hàng khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng trên. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại khác tham gia thì quy mô gói tín dụng này có thể tăng thêm.
Vẫn theo ông Hà, những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vấn đề pháp lý, mất cân đối cung cầu, khó khăn về vốn, trong đó có nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho việc xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Hiện 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này.
Sau Hội nghị, Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng về nhà ở xã hội. Khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sáng nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Trong khi tỷ giá ổn định, thì lãi suất và tiếp cận vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Tuy vậy, về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.