Liên quan đến nhiều hoạt động thể hiện quyết tâm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều thành phố lớn trên cả nước được triển khai gần đây, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, sau khi triển khai kế hoạch giải quyết ùn tắc, lập lại trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến vành đai 3 (từ 20/9-20/10 ở Hà Nội) đạt được nhiều kết quả tích cực, khi giảm tình trạng đi vào làn khẩn cấp, giảm ùn tắc giao thông…
Từ ngày 25/10 Cục CSGT sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của TP Hà Nội và TP.HCM mở rộng tuần tra giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ ra vào hai thành phố lớn nhất nước này.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.
Cụ thể, tại Hà Nội, ngoài duy trì tuần tra trên tuyến vành đai 3 sẽ bổ sung thêm tuyến Lê Duẩn - Giải Phóng (đoạn từ Cửa Nam đến bến xe Nước Ngầm). Tại TP.HCM sẽ triển khai tuần tra lưu động tại tuyến quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương tới ngã ba Hồng Châu.
Ở cả hai thành phố, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu công an địa phương chủ động phân công, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát lưu động để sẵn sàng phối hợp phân luồng từ xa khi có tình trạng ùn tắc xảy ra, đặc biệt trong các ngày lễ, Tết.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng đề nghị công an các tỉnh giáp ranh hai thành phố lớn bố trí trực ban tiếp nhận thông tin trên các tuyến từ Cục hoặc công an TP Hà Nội, TP.HCM.
“Trước mắt chúng tôi tạm thời mở rộng như thế, trong thời gian tới nếu kết quả tiếp tục tích cực, chúng tôi sẽ cho làm kế hoạch mở rộng ở tất cả các cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Kế hoạch này với quy mô gấp nhiều lần so với kế hoạch xử lý ùn tắc trên vành đai 3 ở Hà Nội”, Thượng tá Phạm Quang Huy chia sẻ.
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, lực lượng chức năng sẽ thực hiện liên tục trong vòng 3 tháng, và dành một tuần đầu để tuyên truyền, nhắc nhở kế hoạch đến người dân sau đó mới ghi hình, xử phạt. Ngoài kế hoạch trên, trong thời gian tới dựa trên tình hình thực tế sẽ mở rộng ở các tuyến đường, địa bàn thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Thượng tá Phạm Quang Huy cho biết thêm, mục tiêu xa hơn được đơn vị này đề ra là nhân rộng những mặt tích trong các hoạt động giải quyết ùn tắc giao thông trên phạm vi toàn quốc, những việc làm này sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết vì tai nạn giao thông, nâng cao văn hóa tham gia giao thông của người dân... Để mỗi người dân sẽ ý thức hơn khi tham gia giao thông và có trách nhiệm với xã hội, trong đó mục tiêu chính là nâng cao hệ số an toàn giao thông.
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cướp đi sinh mạng của 13 người và làm 3 người bị thương nặng.
“Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam, đó là hình dung của một du khách nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam.
Trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông, họ có thể là bất cứ ai, bất cứ thành phần giai cấp nào… Đáng lẽ họ cũng có một cuộc đời để sống, có một gia đình để yêu thương, một nơi chốn để trở về sau ngày dài mưu sinh, để được chăm sóc gần gũi bên những người thân yêu. Trong chiến tranh, con người ta đánh đổi sinh mạng để mang về hòa bình, nhưng trong thời bình tai nạn giao thông chỉ đánh đổi lại đau thương và mất mát. Tai nạn giao thông qua đi để lại những tổn thất cả về vật chất và tinh thần, cả sức khỏe, sức lao động, đau xót hơn có những người đã không thể quay về còn người ở lại với sự trăn trở day dứt khôn nguôi”, Thượng tá Phạm Quang Huy nói.
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, mục tiêu giảm tai nạn giao thông và hậu quả do tai nạn giao thông gây ra không chỉ là vấn đề nhức nhối, nan giải của lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn là sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Bên cạnh ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia giao thông thì công tác quản lý, thực thi pháp luật phải kịp thời, mạnh mẽ, đảm bảo hiệu quả răn đe, làm gương, tạo ý thức, thói quen và hành vi đúng đắn cho người dân khi tham gia giao thông.
Thời gian qua lực lượng CSGT đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có năng lực trình độ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội với mục tiêu cuối cùng là giảm tai nạn giao thông.
“Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ, để ra những cách làm mới với những trăn trở làm sao cho chỉ cần mỗi địa phương giảm đi 1 người chết trong 1 tháng thì mỗi năm giảm đi gần 800 người chết. Mỗi địa phương hãy cố gắng để mỗi ngày một người ra đường mà an toàn trở về nhà thì gia đình họ có đủ cả vợ chồng con cái, đầy đủ tiếng cười, hai bên nội ngoại và dòng họ sẽ đầy đủ các con các cháu, sẽ không ai phải khóc than đưa tiễn ai. Đây là những mục tiêu đau đáu mà chúng tôi mong muốn thực hiện. Để làm sao bằng mọi giá tai nạn giao thông giảm xuống, có thể không giảm về số lượng nhưng hệ số an toàn khi tham gia giao thông được tăng lên…”, Thượng tá Lê Quang Hòa mong muốn.