Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phở 2 tô - đặc sản nức tiếng của phố núi Gia Lai

(VTC News) -

Gia Lai có món ăn đặc trưng không du khách nào đặt chân tới mảnh đất này có thể bỏ qua là phở khô, cái tên dân dã mà người dân địa phương vẫn hay gọi là phở 2 tô.

Mảnh đất cao nguyên Gia Lai lộng gió có nhiều đặc sản độc đáo, từ củ măng, cà đắng, mật ong rừng tới các món ăn giản dị được người bản địa sáng tạo từ các nguyên liệu bình thường.

Nơi đây có món ăn đặc trưng không du khách nào đặt chân tới mảnh đất này có thể bỏ qua là phở khô Gia Lai. Người dân ở đây thường đặt cho nó một cái tên dân dã khác là phở 2 tô.

Phở hai tô độc đáo từ chính cách ăn "2 tô".

Phở hai tô độc đáo từ chính cách ăn "2 tô". Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, phở khô Gia Lai luôn được phục vụ với hai tô, một đựng phở, một là nước lèo. Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm rau sống và một chút tương đen đặc biệt, chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán.

Phở khô dùng sợi phở tròn mảnh chứ không mềm và dẹt như phở thông thường. Nhiều người cho rằng, phở khô khá giống sợi hủ tiếu nhưng lại là loại phở đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai. Phở được làm hoàn toàn từ gạo nên khi chần, trộn lên vẫn dai, thơm chứ không dính như sợi hủ tiếu cũng chẳng nhũn nát hay vón cục như nhiều loại mì khô, phở khô khác.

Tô phở khô ngoài phở còn có thêm giá chần, chút thịt nạc bằm, rắc chút hành phi thơm vàng, điểm xuyết vài thìa ớt đỏ, tùy khẩu vị mỗi người mà có thể chế thêm tương nâu, xì dầu, tương ớt, chanh, giấm cho vừa vặn.

Tô phở khô ngoài phở còn có thêm giá chần, chút thịt nạc bằm, rắc chút hành phi thơm vàng.

Yếu tố ngon của phở 2 tô còn đặt rất nhiều vào tô thứ hai, nghĩa là tô nước lèo. Nước dùng phở khô Gia Lai được ninh nấu khá cầu kì, cho thứ nước thanh trong, ngọt ngào mà không kém phần đậm đà. Trong tô nước lèo là các nguyên liệu còn lại để hoàn thiện món phở khô Gia Lai, đó có thể là một vài viên bò, đôi ba miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, điểm xuyết màu xanh của hành lá rau thơm hấp dẫn vô cùng.

Cũng là phở, nhưng có lẽ phở khô Gia Lai là món ăn duy nhất mà các nguyên liệu thịt lại có thế kết hợp nhuần nhị với nhau được như thế. Trong tô phở khô là thịt lợn bằm nhỏ, loại ba chỉ pha chút mỡ màng mềm mại; trong tô nước dùng lại có thể dùng thịt bò sừn sựt, thịt gà dẻo dai vậy mà khi ăn cùng với nhau lại trở nên hấp dẫn, ngon miệng.

Ăn phở khô Gia Lai không nên vội vàng, tuy không nóng hôi hổi như phở thường nhưng cái thú gia giảm rau thơm, gia vị rồi trộn thật đều thật kĩ, tới khi các nguyên liệu thấm đều mới từ từ đưa lên miệng thưởng thức, đưa đẩy thêm ngụm nước lèo ngọt béo mới thấy hết cái tình ý sâu sắc trong món ăn phố núi.

Phở khô dùng sợi phở tròn mảnh chứ không mềm và dẹt như phở thông thường.

Tương đen có lẽ là thứ gia vị bí mật tạo nên hương vị khó quên cho món phở khô Gia Lai. Dù chỉ là gia vị ăn kèm, nhưng nếu thiếu tương đen, thực khách sẽ cảm thấy món ăn của mình như mất đi quá nửa hương vị. Tương đen được lên men từ đậu nành, bên cạnh vị mặn còn có vị ngậy béo, ngọt thanh pha chút vị hoang dã của vùng cao nguyên.

Với du khách, phở 2 tô như một món ăn ngon, lạ miệng, còn với người bản xứ, phở 2 tô như một phần không thể tách rời. Đến độ, dù hiện nay, phở 2 tô phố núi đã xuất hiện ở nhiều vùng miền, ngay ở Đà Nẵng, Sài Gòn, người ta vẫn có thể thưởng thức được món ăn này song những người con Gia Lai đi xa, vẫn chỉ mong về đến nhà để nếm cho được hương vị quen thuộc ở chính quê nhà.

KHÔI NGUYÊN

Tin mới