Thực phẩm tăng giá chóng mặt
Theo khảo sát của phóng viên VTC News tại các chợ Khương Thượng, Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội); chợ Châu Long (Tây Hồ); chợ Hôm – Đức Viên (Hoàn Kiếm) vào ngày 27/1 (30 Tết Âm Lịch), giá của các loại thực phẩm phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu đều có mức tăng chóng mặt.
Nhiều người dân tranh thủ ngày 30 Tết để đi mua sắm. Ảnh: Tiểu Lâm
Cụ thể, giá các loại thịt tăng khoảng 30%, thịt bò thăn phổ biến từ 300.000-350.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ tăng 25.000 – 30.000 đồng lên khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg, thịt gà ta phổ biến dao động từ 150.000 – 170.000/kg.
Đáng chú ý, người tiêu dùng trong dip Tết năm nay có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt nhập khẩu nhiều hơn, hoặc các loại thực phẩm sạch “cắp nách” từ vùng cao. Các loại thực phẩm, gà đồi, lợn mường, thịt trâu,… có mức tiêu thụ rất tốt.
Chị Đỗ Minh Yến, chủ một cơ sở kinh doanh thịt lợn rừng sạch cho biết: “Mọi năm tôi bán khoảng 100 kg ngày Tết, năm nay tôi bán đc gần 500 kg, tăng gấp 5 lần”. Giá của loại thực phẩm này cũng tăng mạnh, giá khoảng 350.000 đồng/kg.
Mặt hàng rau củ quả có mức giá tăng mạnh nhất, cụ thể, rau cải khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, su hào khoảng 10.000 đồng/củ, rau muống 12.000 – 16.000 đồng/kg,… Lý do được các tiểu thương đưa ra là do…. Tết.
Một số loại giò, chả hết hàng rất sớm. Ảnh: Tiểu Lâm
Bà Trịnh Thị Huê, một tiểu thương bán rau ở chợ Châu Long (Ba Đình) cho biết: “Gần Tết rồi, chúng tôi không còn hàng để bán. Cả năm bán hàng chỉ chờ đến Tết là bán hết”.
So với mọi năm, giá cả của mặt hàng rau, củ, quả có mức tăng thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết.
“Năm nay thời tiết nắng ấm nhiều, rau cũng vì thế mà phát triển mạnh, dẫn đến nguồn cung dồi dào để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên Đán”, bà Huê cho biết thêm.
Bia, mỳ ăn liền, bánh chưng, giò chả cháy hàng
Phiên chợ cuối cùng của năm Bính Thân, thị trường ghi nhận tình trạng khan hàng của các mặt hàng bánh chưng, giò chả, mỳ ăn liền,….
Tại các chợ, giá bánh chưng tăng nhẹ từ 5000 – 10.000 đồng, giá cả dao động tư 40.000 – 100.000 đồng. Giò chả có giá từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, tùy loại.
Trong ngày 30 Tết, các mặt hàng bánh chưng, giò chả được bán hết sạch trong một số chợ cóc tại Hà Nội chỉ sau vài giờ. Một số người tiêu dùng chậm chân phải ngậm ngùi đi tìm nguồn hàng khác.
Chị Yến (Quán Thánh, Hà Nội) là một người trong số đó, chị nói: “9h mình ra chợ Châu Long gần nhà mà đã hết bánh chưng rồi. Hai mẹ con đành phải đi ra một số chợ bên cạnh để tìm may ra mới có”.
Tại các siêu thị, giá cả không chênh lệch nhiều với chợ truyền thống, nhất là giá thực phẩm rất ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Trước Tết khoảng 1 tuần, lượng khách tới các siêu thị bán lẻ như Fivimart, BigC, Hapromart... tăng lên chóng mặt. Hàng ngàn người đổ xô đến các siêu thị để mua các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên Đán. Các mặt hàng có sức mua lớn nhất và khả năng tăng giá cao nhất nằm ở nhóm bánh kẹo, nước ngọt, trái cây...
Đến sáng 30 Tết, các siêu thị như Lotte, BigC chỉ phục vụ đến 11h trưa rồi nghỉ Tết, các siêu thị nhỏ khác thì hoạt động đến chiều 30.
Tại hệ thống siêu thị BigC, cam canh có mức giá khoảng 40.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 đồng/kg, thanh long 38.000 đồng/kg,...Bên cạnh đó là một số loại hoa quả nhập khẩu cũng được lòng người tiêu dùng.
Cá biệt, các mặt hàng bia, mỳ ăn liền đang “cháy hàng”. Tuy nhiên, không phải các loại bia, mỳ ăn liền nào cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo tìm hiểu, một số loại bia Heniken, bia Sài Gòn là có mức tiêu thụ rất tốt. Bên cạnh đó là sản phẩm mỳ ăn liền của Aecook, Vifon,…. rơi vào tình trạng cháy hàng.
Giá thực phẩm tại các siêu thị luôn ổn định vì đã chủ động dự trữ nguồn hàng từ sớm, ký kết hợp đồng dài hạn với đơn vị cung cấp để phục vụ thời gian cao điểm mua sắm cuối năm. Vì vậy, không có chuyện các mặt hàng tự động tăng giá giống như các chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, năm nay khách hàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm và có xu hướng mua lượng hàng hóa vừa đủ dùng chứ không mua trữ sẵn như mọi năm vì nhiều cửa hàng, siêu thị vẫn mở cửa phục vụ ngay trong những ngày Tết.