Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phiên chợ bạc tỷ của đồng bào Xê Đăng ở Quảng Nam

(VTC News) -

Mỗi phiên chợ kéo dài liên tục 3 ngày và gần như chỉ có mặt hàng duy nhất: Sâm Ngọc Linh.

Chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kì 3 ngày đầu mỗi tháng ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam. Điều lạ là ở phiên chợ, cả người mua và kẻ bán đều không ai "đủ trình" để xác định chính xác giá trị thực của thứ sản vật quý hơn vàng phát triển ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển này.

Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 28 - phiên chợ đầu tiên của năm 2020 - vừa khép lại vào chiều 3/1 với sự tham gia của 6 hộ trồng sâm tại 5 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh và hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Chợ sâm Ngọc Linh - phiên chợ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

 

Như thường lệ, phiên chợ thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm. Và thêm một lần nữa, ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh, thành viên ban tổ chức - bày tỏ sự phấn khởi khi doanh thu phiên chợ đạt hơn 4 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ thu về 3,9 tỷ đồng với 45k sản phẩm được bán ra.

Nhắc lại lần đầu tiên đăng cai phiên chợ đặc biệt này (tháng 10/2017), ông Quý cho biết tổng doanh thu lúc đó là 4,5 tỷ đồng. Phiên thứ hai diễn ra trong 3 ngày đầu của tháng 11/2017, 35kg sâm củ được bán, đem lại 2,8 tỷ đồng.

Mỗi tháng, chợ sâm Ngọc Linh thu về hàng tỷ đồng.

Và đều đặn trong vòng 3 năm qua, kết thúc phiên chợ sâm nào, bà con tiểu thương cũng "bỏ túi" trên dưới 4 tỷ đồng. “Liệt kê ra như vậy để thấy rằng phiên chợ sâm xứng đáng với tên gọi phiên chợ bạc tỷ. Điều hết sức đáng mừng là khách hàng từ khắp mọi nơi đổ về chợ sâm mỗi lúc một đông. Việc kết hợp quảng bá các mặt hàng khác cũng làm cho phiên chợ thêm phần phong phú, cuốn hút”, ông Quý nói.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho hay, ngày hội mua bán sâm được mở ra nhằm tạo điều kiện cho người trồng sâm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh sâm có  nơi giới thiệu, quảng bá, qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con đồng bào Xê Đăng. Ông khẳng định, sau thời gian mở phiên chợ, giá trị của các sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh được nâng tầm đáng kể.

“Sâm mà dân 10 xã trên địa bàn huyện đưa đến phiên chợ đều là sâm thật 100%. Trước khi trưng bày, sản phẩm phải được Ban Quản lý phiên chợ kiểm duyệt chất lượng. Một tín hiệu hết sức đáng mừng là giá trị của sâm Ngọc Linh ngày càng được đẩy lên cao. Ở phiên chợ đầu tiên, giá 1kg sâm củ rơi vào khoảng 60 triệu đồng, một số cây sâm lâu năm có giá nằm trong ngưỡng 100 triệu đồng. Bây giờ, nhiều củ sâm có giá gần 1 tỷ đồng”, ông Bửu vui vẻ chia sẻ.

Tại tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh là hơn 65ha. Theo Quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030, tổng diện tích quy hoạch là 15.568ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don.

Trong đó diện tích vùng đệm 6.712ha, diện tích vùng lõi 8.856ha; quy hoạch bảo tồn 2.238ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Dơn; quy hoạch phát triển 10.256ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don; diện tích trồng và bảo tồn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 665ha.

Từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng, huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm nhằm quảng bá sản phẩm và đưa loại sâm chất lượng đến với người tiêu dùng.

 

THANH BA

Tin mới