"Các anh không thể ở đây mãi mãi", nhân viên bảo vệ tại một trại tị nạn ở Termez, Uzbekistan nói với các phi công Afghanistan.
Các phi công này chạy trốn sang quốc gia láng giềng cách đây 3 tuần với hy vọng được Mỹ sơ tán. Giờ đây, họ bị giữ lại tại Uzbekistan và đối mặt nguy cơ phải trở về quê nhà.
"Nếu họ giao chúng tôi cho Taliban, chắc chắn chúng tôi sẽ bị giết", một viên phi công cho hay.
Người này nói anh cảm giác mình lúc này chẳng khác gì tù nhân, bị hạn chế di chuyển, không đủ thức ăn và thuốc men. Nhiều đồng đội của anh bị sụt cân.
Có khoảng 465 người Afghanistan đang bị giữ lại tại trại của Uzbekistan.
Khu trại tạm giữ nhóm phi công Afghanistan ở Uzbekistan. (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi giống như đang ở tù. Chúng tôi không có tự do", viên phi công cho biết.
Hình ảnh vệ tinh Reuters thu được hồi tháng 8 cho thấy hàng rào được dựng lên xung quanh trại. Bên trong là các căn phòng bố trí sơ sài với giường tầng.
Các lính canh Uzbekistan gác bên ngoài được trang bị súng ngắn hoặc vũ khí bán tự động.
Ngay trước khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul hôm 158, các phi công Afghanistan được Mỹ đào tạo trở thành mục tiêu trả đũa chính của lực lượng này. Các tay súng Taliban theo dõi các phi công khi họ rời căn cứ rồi ám sát một số người.
Trong những ngày cuối cùng trước khi Taliban tuyên bố chiếm Kabul, các phi công Afghanistan lái 46 máy bay rời khỏi đất nước. Số máy bay này chiếm hơn 1/4 số phi cơ trong biên chế quân đội Afghanistan.
Hầu hết các máy bay này cất cánh từ Kabul, một vài chiếc khởi hành từ căn cứ gần thành phố Mazar-i-Sharif.
Phi công Afghanistan cho biết, có khoảng 15 phi công lái máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano, 11 phi công lái trực thăng UH-60 Black Hawk, 12 phi công lái trực thăng MD-530 và một số lái trực thăng Mi-17.
Bên cạnh các phi công, còn có hàng chục nhân viên bảo trì của không quân Afghanistan cùng các lực lượng khác tháo chạy sang Uzbekistan Uzbekistan. Một số cũng kịp đưa thêm người thân lên máy bay.
Một quan chức hải quân Mỹ ca ngợi hành động lái máy bay rời đất nước của các phi công Afghanistan.
"Điều duy nhất họ biết mình phải làm là không để máy bay rơi vào tay Taliban", ông này cho hay.
Phi công tiêm kích A-29 của Afghanistan. (Ảnh: Reuters).
Taliban vẫn chưa bình luận về các phi công Afghanistan ở Uzbekistan. Trong khi đó không rõ giới chức Mỹ có kế hoạch sơ tán nhóm phi công này hay không.
Taliban trước đó kêu gọi binh sĩ và phi công làm việc cho chính phủ cũ gia nhập vào lực lượng vũ trang của chính phủ mới.
Lực lượng này hiện thu giữ được nhiều máy bay hiện đại do Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan. Nhưng để vận hành các phi cơ không chỉ cần các phi công được đào tạo bài bản mà còn cần các nhân viên vận hành dưới mặt đất, phụ tùng thay thế cũng như vũ khí trang bị. Taliban đang thiếu hụt nguồn nhân lực để vận hành số máy bay này.
Theo ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Uzbekistan, Uzbekistan có thể đang tìm cách duy trì mối quan hệ với Taliban và đây là điều mà các phi công Afghanistan ở trại Uzbekistan lo lắng.
"Taliban đang gây sức ép buộc Uzbekistan giao nộp các phi công. Uzbekistan muốn có mối quan hệ tốt với Taliban, nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng Mỹ", ông Herbst cho hay.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang phối hợp với Uzbekistan về vấn đề này, nhưng cũng nhấn mạnh các phi công Afghanistan hiện vẫn an toàn.