Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phát triển vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ dự án phía Tây

(VTC News) – Hội nghị "Bất động sản vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” được tổ chức vào sáng nay (28/8) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

(VTC News) – Phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng đa cực tập trung, liên kết không gian giữa thành phố với các tỉnh xung quanh đồng thời xây dựng thể chế hoàn chỉnh chế độ dự trữ đất đô thị cũng như việc chia sẻ lợi ích từ hiệu quả của vốn gọi là những vấn đề cơ bản trong “Hội nghị Bất động sản vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” được tổ chức vào sáng nay (28/8) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội.

Trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2009 đã dự kiến, năm 2020, tổng số đô thị cả nước đạt trên 910 đô thị với 44 triệu dân (chiếm 45% dân số) và trong năm này, vùng Thủ đô Hà nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững đồng thời là trung tâm chính trị văn hóa xã hội, lịch sử khoa học, giáo dục đào tạo và du lịch lớn của cả nước.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam


Do vậy, trong “Hội nghị Bất động sản vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” được tổ chức vào sáng nay (28/8), ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã nhấn mạnh về việc tổ chức không gian đô thị, vùng thủ đô.

Theo ông Chính, vùng thủ đô Hà Nội cần phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, liên kết không gian giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Trong đó, thành phố Hà Nội là vùng đô thị hạt nhân trung tâm, đóng vai trò chủ đạo. Các tỉnh liền kề nằm trong vùng phát triển đối trọng gồm có đối trọng phía Tây như Hòa Bình, phía Đông và Đông Nam như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam, vùng đối trọng phía Bắc có Vĩnh Phúc.

Khu đô thị trung tâm của Hà Nội, theo ông Chính nên được xác định gồm có khu vực nội đô và hai chuỗi khu đô thị. Khu vực nội đô được tính dựa vào giới hạn từ toàn bộ khu vực tả ngạn sông Hồng đến đường vành đai xanh sông Nhuệ. Chuỗi đô thị phía Tây gồm các khu vực giáp ranh giữa Đan Phượng, Hoài Đức với Từ Liêm, giáp ranh giữa Hà Đông, Từ Liêm và Thanh Oai, giáp ranh Thanh Trì và Thường Tín. Chuỗi đô thị Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh, Đông Anh, quận Long Biên và Gia Lâm.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại khẳng định: “Dự trữ quỹ đất đô thị đang trở thành vấn đề được xã hội quan tâm". Cũng theo ông Liêm, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng thể chế hoàn chỉnh cho đến chế độ dự trữ đất đô thị và nhanh chóng mở rộng việc áp dụng nó vào phát triển đô thị”.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 
Ông Liêm cho rằng, chế độ dự trữ đất cho phép tập trung các dự án bất động sản vào một vài khu vực phát triển đô thị rộng lớn. Nhờ đó, các dự án bất động sản có thể khởi công và kết thúc đúng hạn mà không bị cản trở vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ, khiếu kiện kéo dài.

Ông Liêm cũng khẳng định, "chế độ dự trữ đất sẽ tạo điều kiện để chính quyền đô thị điều hành được thị trường đất đô thị chứ không chạy theo phục vụ thị trường như hiện nay".

“Ngân sách đô thị sẽ thu được phần lớn lợi ích mà tài nguyên đất đai đem lại chứ không để giới kinh doanh bất động sản kiếm được siêu lợi nhuận từ kinh doanh đất và một số quan chức sa vào tham những trong lĩnh vực đất đai, khiến các hộ bị thu hồi đất và nhân dân bất bình. Với lợi nhuận thu được từ dự trữ đất, chính quyền đô thị có thể giúp đỡ các hộ nghèo cải thiện điều kiện ở và tiếp cận các dịch vụ hạ tầng”, ông Liêm nói.

“Định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây đã được Chính phủ, lãnh đạo thành phố quyết định từ nhiều năm nay. Điều này lại được khẳng định một lần nữa trong quy hoạch Tp. Hà Nội (mở rộng) vừa qua," GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi trong Hội nghị.

Theo GS Võ, đến nay bản quy hoạch đã tạo được đồng thuận ở nhiều điểm cơ bản. Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến mang tính tranh luận tập trung vào việc di dời khu hành chính lên Ba Vì và xây dựng con đường trục Hồ Tây – Ba Vì.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

 
“Một quy hoạch rất nghiêm túc chờ phê duyệt mà tác động vào sốt đất thực tế đã xảy ra. Ở đây cần đặt ra vấn đề tác động của định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây lên thực tế của thị trường bất động sản Hà Nội và những giải pháp để tránh đi các tác động xấu”, GS Đặng Hùng Võ cho biết.

Cũng theo GS Võ, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 23/6/2010 đã tập trung vào giải quyết được khá nhiều vấn đề có liên quan tới cơ chế giải quyết vốn cho thị trường bất động sản và nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Nghị định cũng hướng tới việc loại bỏ những nhà đầu tư làm ăn thiếu chuyên nghiệp, đầu cơ lướt sóng, tạo mập mờ thông tin, trục lợi từ những kẽ hở của thị trường. Ngoài cơ chế chuyển đổi quỹ đất thành năng lực tài chính, cơ chế “mua bán nhà trên giấy” trên cơ sở huy động vốn từ người tiêu dùng được xem xét, loại trừ những rủi ro đối với bên mua. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản.

“Từ sự biến động chóng mặt của thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội vừa qua, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý. Cần phải có những bước đi đúng để thị trường phát triển một cách lành mạnh. Cơ chế gọi vốn và chia sẻ lợi ích từ hiệu quả của vốn gọi có tầm quan trọng đặc biệt để tạo ổn định cho thị trường. Vốn cho thị trường bất động sản là một vấn đề lớn cần các giải pháp đồng bộ”, GS kết luận.



Thu Hiền

Mỗi người VN đều tự hào khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải "Nobel toán học". Hãy 

viết vào ô thảo luận cuối bài

để:



- Hiến kế làm sao để Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa.



- Hiến cách để cùng GS Ngô Bảo Châu tạo lập, phát triển hiệu quả Quỹ Khuyến học NBC mà ông dự định thành lập.



- Bàn luận về khát vọng Việt Nam, làm sao để chúng ta vươn lên đứng đầu trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật trên thế giới.


 

Nguồn:

Tin mới