Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phát hiện tín hiệu vô tuyến bí ẩn trong dải Ngân hà

(VTC News) -

Một phát hiện mới đây cho thấy loạt tín hiệu vô tuyến bí ẩn làm đau đầu các nhà khoa học nhiều năm qua có thể xuất phát từ một nguồn ít ai ngờ đến.

FRB hay còn gọi là phát xạ sóng vô tuyến được xem là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất trong vũ trụ.

FRB lần đầu tiên được phát hiện tình cờ vào năm 2007. Các phát xạ vô tuyến cực kỳ hiếm gặp với chỉ gần 100 phát xạ được ghi lại cho đến nay. Hầu hết các tín hiệu này được gửi đi từ những không gian sâu thẳm, cách xa chúng ta hàng triệu năm ánh sáng. Một số phát ra năng lượng bằng 500 triệu lần Mặt trời.

Tuy nhiên, các FRB thường chỉ kéo dài không quá 1/1000 giây và hầu hết không lặp lại. Điều này khiến chúng rất khó theo dõi và dự đoán. 

Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra FRB. Các giả thiết được đặt ra là sao neutron bị tác động bởi luồng khí từ các lỗ đen siêu lớn hoặc một sinh vật nào đó từ một thực thể ngoài Trái Đất đang cố gửi đi tín hiệu. 

FRB là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất trong vũ trụ. (Ảnh: CCO)

Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây phát hiện một vụ nổ sóng vô tuyến có nguồn gốc từ chính một vật thể trong dải Ngân hà của chúng ta. 

Hôm 28/4, nhiều đài quan sát trên thế giới bắt được đợt phát xạ sóng vô tuyến từ sao từ SGR 1935 + 2154 cách hành tinh chúng ta khoảng 30.000 năm ánh sáng.

"Phát hiện này giúp giải quyết nguồn gốc của FRB", nhà thiên văn học Shrinivas Kulkarni đến từ Viện Công nghệ California (Caltech) cho hay. 

Cùng với tín hiệu thu được, các nhà thiên văn học cũng phát hiện ra vụ nổ bức xạ tia X đi kèm. 

Nhà thiên văn học Sandro Mereghetti tới từ Viện Vật lý thiên văn Quốc gia Italy cho rằng đây là một kết quả lý thú và hỗ trợ cho liên kết giữa FRB và sao từ. 

Tuy nhiên, nhiều nhà thiên văn học chỉ ra rằng ngay cả khi SGR 1935 + 2154 được xác nhận là nguồn phát FRB, điều này không đồng nghĩa nó là nguồn duy nhất sản sinh ra các tín hiệu đó. 

Song Hy

Tin mới