Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phát hiện mới về nguyên nhân hiện tượng COVID-19 kéo dài

Bệnh nhân COVID-19 trải qua triệu chứng dai dẳng suốt nhiều tháng có thể do nguyên nhân dưới đây.

Hiện tượng người từng mắc COVID-19 trải qua những triệu chứng kéo dài suốt nhiều tháng đang ngày càng trở thành mối quan ngại của giới chức y tế.

Trong một nghiên cứu được đánh giá là toàn diện nhất tới nay về sự tồn tại của virus trong cơ thể người, các nhà khoa học Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết đã phát hiện virus có khả năng tự nhân bản tại các bộ phận cơ thể người không phải hệ hô hấp, theo Bloomberg.

Virus theo máu lan ra khắp cơ thể

Kết quả nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố dưới dạng bản thảo hôm 25/12 và đang chờ được xuất bản trên chuyên san khoa học Nature.

Từ lâu, xu hướng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm tế bào cơ thể người bên ngoài phổi và hệ hô hấp đã là chủ đề gây tranh cãi, với những nghiên cứu mang tới một số bằng chứng theo hai hướng trái ngược nhau.

Nghiên cứu mới do Viện Y tế Quốc gia Mỹ tiến hành tại Bethesda, tiểu bang Maryland. Các nhà khoa học thu thập và phân tích sâu mẫu bệnh phẩm lấy từ tử thi 44 bệnh nhân tử vong sau khi từng mắc COVID-19 trong năm 2020 ở Mỹ.

Trước đây, đã có một số nghiên cứu trên tử thi người mắc COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ tiến hành được thực hiện toàn diện hơn, các mẫu mô được lấy trong vòng 24 giờ sau khi người bệnh qua đời.

Virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại mẫu mô não của 5 trong 6 tử thi. Ảnh: Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ.

Các nhà khoa học phát hiện những mảnh RNA của virus SARS-CoV-2 bên trong nhiều bộ phận cơ thể người, trong đó có những khu vực của não. Một số mẫu mô chứa virus tồn tại 230 ngày sau khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của COVID-19.

Nhóm nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng sử dụng nhiều biện pháp bảo quản mô khác nhau để phát hiện và định lượng nồng độ virus, đồng thời nuôi dưỡng virus thu thập được từ mô phổi, tim, tuyến thượng thận và ruột non của bệnh nhân COVID-19 đã tử vong.

"Kết quả cho thấy trong khi tải lượng virus SARS-CoV-2 lớn nhất ở đường hô hấp và phổi, virus có thể phát tán ngay sau khi xâm nhập và lây lan ra toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não", các tác giả nghiên cứu cho hay.

Các nhà khoa học cho biết virus xâm nhập hệ hô hấp có thể dẫn đến tình trạng "viremia". Lúc này, virus sẽ xuất hiện trong máu và được hệ tuần hoàn đưa đi khắp các bộ phận cơ thể người. "Viremia" xảy ra ngay cả với bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng.

Mẫu mô lấy từ tử thi một trẻ vị thành niên tử vong vì các biến chứng co giật cho thấy trẻ em cũng có khả năng bị nhiễm virus trong các bộ phận nội tạng ngay cả khi không có triệu chứng COVID-19 dạng nặng.

Theo các nhà khoa học, việc cơ thể tiêu diệt virus trong các mô bên ngoài phổi kém hiệu quả hơn có thể liên quan tới tình trạng hệ miễn dịch hoạt động yếu hơn tại các bộ phận bên ngoài hệ hô hấp.

RNA của virus SARS-CoV-2 được phát hiện trong não của 6 tử thi, những người này tử vong hơn 1 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng. Một trong các bệnh nhân tử vong sau 230 ngày từ khi có những triệu chứng đầu tiên. Đáng chú ý, virus xuất hiện ở nhiều vị trí trong não của 5 tử thi.

Thủ phạm của COVID-19 kéo dài?

Các tác giả nghiên cứu cho biết hiện tượng triệu chứng COVID-19 kéo dài nhiều khả năng gây ra bởi virus còn sót lại trong các bộ phận cơ thể mà hệ miễn dịch không thể phát hiện và tiêu diệt hoàn toàn.

Ziyad Al-Aly, Giám đốc trung tâm dịch tễ học Hệ thống chăm sóc y tế St. Louis Missouri, cho biết nghiên cứu phát hiện virus cùng lúc xuất hiện tại nhiều vị trí trong não của bệnh nhân COVID-19 đặc biệt hữu ích cho quá trình điều trị sau này.

"Nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình trạng suy giảm nhận thức thần kinh hay còn gọi là sương mù não và các biểu hiện tâm thần khác của người mắc COVID-19 kéo dài", giáo sư Al-Aly nhận xét.

Kết quả nghiên cứu mang lại một số thông tin có thể giúp lý giải nguyên nhân COVID-19 kéo dài có thể xảy ra ngay cả với những người chỉ trải qua triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, ông Al-Aly cho biết.

Virus tồn tại trong các nội tạng là nguyên nhân hiện tượng COVID-19 kéo dài. (Ảnh: AFP)

Theo chuyên gia của Hệ thống chăm sóc y tế St. Louis Missouri, giới y khoa có thể bắt đầu nghiên cứu virus SARS-CoV-2 như một loại virus toàn thân, chúng có thể trú ẩn trong các cơ quan nội tạng nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Ngay từ những ngày đầu đại dịch, virus corona đã cho thấy khả năng gây ra các triệu chứng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Đại học Y khoa Pennsylvania ước tính hơn một nửa số người mắc COVID-19 phải chịu đựng các triệu chứng trong ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm virus.

Với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Omicron, tác động từ COVID-19 kéo dài sẽ lớn hơn ước tính từ trước đến nay gấp nhiều lần.

Bởi vậy, hiểu biết về cơ chế mà virus SARS-CoV-2 bám trụ trong các bộ phận cơ thể, cũng như phản ứng của cơ thể với các ổ virus sót lại, có thể giúp cải thiện phương pháp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 kéo dài, các tác giả nghiên cứu cho hay.

"Nghiên cứu này đã mang lại kết quả rất có ý nghĩa. Trong một thời gian dài, chúng ta luôn tự hỏi vì sao các triệu chứng COVID-19 dai dẳng ảnh hưởng nhiều hệ thống nội tạng như vậy", ông Al-Aly cho biết.

Nguồn: Zing News

Tin mới