Các nhà cổ sinh vật học phát một hiện loài thú tiền sử chưa từng được biết tới có quan hệ họ hàng gần với gấu túi mũi trần.
Sinh vật được đặt tên là Mukupirna nambensis đã lang thang trong các khu rừng ở Australia cách đây 25 triệu năm. Chúng nặng khoảng 150kg, tương đương một con gấu đen Bắc Mỹ và lớn gấp 5 lần loài gấu túi mũi trần hiện nay.
Hình ảnh phục dựng loài thú túi tiền sử mới được phát hiện ở Australia. Ảnh: Reuters.
Hộp sọ và một số mảnh xương hóa thạch của Mukupirna được khai quật trong lưu vực hồ Eyre từ năm 1973 nhưng gần đây mới được phân tích kỹ lưỡng bởi các chuyên gia từ Đại học New South Wales của Australia và Đại học Salford của Anh.
Mảnh xương hàm hóa thạch của Mukupirna. Ảnh: Guardian.
Theo mô tả trên tạp chí Scientific Reports hôm 25/6, Mukupirna nambensis là họ hàng tiền sử gần gũi nhất của gấu túi mũi trần. Chúng cũng ăn thực vật và có một số đặc điểm cho thấy cuộc sống thích nghi với việc đào bới.
Khối lượng cơ bắp lớn cùng với bộ móng vuốt cong, dài và chắc khỏe biến bàn chân trước của Mukupirna thành công cụ hữu hiệu để đào củ và rễ cây, nguồn thức ăn chính của chúng. Khác với gẫu túi mũi trần, loài thú túi tiền sử này không đào hang do có kích thước cơ thể lớn.
"Mukupirna không phải tổ tiên trực tiếp của gấu túi mũi trần nhưng nằm cùng nhánh tiến hóa. Tổ tiên chung của chúng có lẽ cũng là một chuyên gia đào bới", trưởng nhóm nghiên cứu Robin Beck, Giáo sư từ Đại học Salford nhấn mạnh.