Hóa thạch này có kích cỡ 4,5 cm x 2 cm, nặng khoảng 10gr, có niên đại hơn 100 triệu năm. Nó được tìm thấy trong một địa tầng có từ đầu kỷ Phấn Trắng tại thành phố Tamba, tỉnh Hyogo, miền tây Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tsukuba và Bảo tàng Tự nhiên và Hoạt động con người Hyogo sau khi phân tích hóa thạch tin rằng hóa thạch trên nhiều khả năng thuộc về một loài khủng long chân thú không biết bay.
"Xương khủng long nhỏ ít gặp hơn nhiều so với khủng long lớn", nhà nghiên cứu Kohei Tanaka tới từ Đại học Tsukuba cho hay.
Hóa thạch này có kích cỡ 4,5 cm x 2 cm, nặng khoảng 10gr. (Ảnh: Kyodo News)
Tanaka hy vọng phát hiện mới đây sẽ giúp mở rộng hiểu biết về cách khủng long nhỏ sinh sản và làm tổ.
Ngoài quả trứng này, nhóm nghiên cứu còn phát hiện 3 quả trứng hóa thạch khác và 1.300 mảnh vỏ trứng nằm rải rác ở cùng khu vực. Chúng thuộc về 4 loài khủng long khác nhau.
Nhóm nghiên cứu tin rằng điều này cho thấy nhiều loài khủng long nhỏ cùng làm tổ trong khu vực được biết đến là tập trung nhiều hóa thạch trứng khủng long ở kỷ Phấn Trắng trên thế giới.
Hóa thạch trứng khủng long được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm Tây Ban Nha, Mông Cổ. Nhiều trong số chúng dài 5-7 cm và nặng khoảng 30g.