Sau khi ghi lại những hình ảnh vượt ngoài mong đợi của các nhà thiên văn học, James Webb mới đây đã tiết lộ đặc điểm chưa từng thấy trong bầu khí quyển của hành tinh khí khổng lồ này.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng Camera cận hồng ngoại hay NIRCam của Kính thiên văn James Webb để ghi lại hàng loạt hình ảnh của sao Mộc với mỗi hình ảnh cách nhau 10 tiếng, đồng thời dùng 4 bộ lọc khác nhau để phát hiện những thay đổi trong bầu khí quyển của hành tinh.
Các nhà thiên văn học phát hiện ra các dòng tia tốc độ cao ở tầng bình lưu của sao Mộc - lớp khí quyển nằm trên các đám mây khoảng 40km. Dòng tia này đi qua xích đạo của hành tinh, trải rộng hơn 4.800km và di chuyển với tốc độ 515km/h, gấp 2 lần tốc độ gió trong cơn bão cấp 5 trên Trái Đất.
( Ảnh minh họa: NASA)
Các phát hiện này đã hé lộ về những tương tác dữ dội trong bầu khí quyển bão tố của sao Mộc.
"Đây là điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên", Ricardo Hueso, chủ nhiệm nghiên cứu được công bố vào 19/10 trên Nature Astronomy cho hay. Ông Hueso là giảng viên vật lý tại Đại học Basque ở Tây Ban Nha.
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời và được tạo thành từ khí nên rất khác Trái Đất. Tuy nhiên, giống như hành tinh của chúng ta, sao Mộc cũng có các lớp khí quyển. Các lớp này bao gồm nhiều kiểu thời tiết khác nhau, trong đó có những cơn bão kéo dài hàng thế kỷ như Vết đỏ lớn và những đám mây được tạo thành từ ammonia đóng băng.
Trong khi đã có các sứ mệnh thâm nhập sâu vào những đám mây của sao Mộc bằng cách sử dụng các bước sóng ánh sáng khác nhau thì James Webb có vị trí đặc biệt trong việc nghiên cứu các lớp khí quyển ở độ cao lớn (từ 25 - 50km) và tiết lộ những thông tin chi tiết chưa từng thấy.
"Mặc dù có các kính thiên văn mặt đất và các tàu vũ trụ như Juno và Cassini của NASA hay Kính thiên văn Hubble nhưng Kính thiên văn James Webb đã cung cấp những phát hiện mới về vành đai sao Mộc, các vệ tinh và bầu khí quyển của nó", đồng tác giả nghiên cứu - Imke de Pater, Giáo sư danh dự về thiên văn học, Trái Đất và khoa học hành tinh thuộc Đại học California, Berkeley cho hay.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh gió do James Webb phát hiện ở độ cao lớn và gió ở lớp khí quyển thấp hơn do Hubble thu thập rồi theo dõi sự thay đổi về tốc độ gió.
Cả hai kính thiên văn này đều cần thiết để phát hiện ra dòng tia bởi James Webb đã phát hiện ra đặc điểm đám mây nhỏ trong khi Hubble cung cấp thông tin về bầu khí quyển xích đạo, trong đó có các cơn bão không liên quan đến dòng tia.
Hai kính thiên văn này đã cung cấp những thông tin mới về bầu khí quyển phức tạp của sao Mộc và các quá trình diễn ra trong các lớp khí quyển của hành tinh.
Các quan sát tương lai về sao Mộc sử dụng Kính thiên văn James Webb có lẽ sẽ hé lộ nhiều thông tin hơn về các dòng tia chẳng hạn như sự thay đổi về tốc độ và độ cao theo thời gian cũng như các điều bất ngờ khác.