Nghiên cứu mới từ Bảo tàng quốc gia Gruzia (Georgia, một quốc gia nằm ở giao điểm Đông Âu - Tây Á) tiết lộ những phát hiện làm "thay đổi hoàn toàn cách hiểu trước đây về địa điểm Orozmani", một di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở Georgia, theo tờ Agenda.
Orozmani là di chỉ nổi tiếng được xem là nơi đầu tiên ghi dấu chân của con người rời châu Phi đi khai phá thế giới - tận 1,8 triệu năm trước. Loài người sinh sống ở đây là Homo erectus, tức "người đứng thẳng", một trong những loài đầu tiên tương đối giống con người hiện đại, nhưng vẫn còn mang nhiều đặc điểm hoang dã. Một trong số đó là họ vẫn sống như một động vật ăn thịt ngoại hạng với thịt chiếm hầu hết khẩu phần.
Các nhà khoa học đang làm việc tại địa điểm khảo cổ. (Ảnh: Bảo tàng quốc gia Gruzia)
Theo Acient Origins, trong cuộc khai quật mới các nhà khoa học không chỉ tìm thấy các công cụ đá Olduwan - dạng công cụ có từ 2,6 triệu năm trước - mà còn tìm thấy tàn tích của các loài động vật, trong đó hấp dẫn nhất là Homotherium, loài mèo răng kiếm đáng sợ đã lang thang trên Trái Đất từ 4,5 triệu đến 11.700 năm trước.
Homotherium phân bố ở nhiều nơi thuộc Bắc Mỹ, lục địa Âu - Á và châu Phi. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên hài cốt của nó được phát hiện nằm cùng với các công cụ của con người.
Mèo răng kiếm Homotherium. (Ảnh: Bảo tàng quốc gia Gruzia)
Tuy nhiên do đây là một mãnh thú quá hung dữ, giả thuyết nó bị con người sơ khai thuần hóa và chung sống khá bất hợp lý. Các nhà khoa học tin rằng khi khai phá Âu - Á 1,8 triệu năm trước, Homo erectus đã cạnh tranh với sinh vật này về nguồn thức ăn và lãnh thổ, bởi cả 2 đều là mãnh thú ăn thịt đáng sợ như nhau. Con Homotherium xấu số đã kết thúc như bữa ăn của loài tổ tiên chúng ta.