Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất Nadja Drabon từ Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, đó là những tinh thể khoáng chất cực hiếm, được hình thành trong điều kiện hút chìm - khi mép của một mảng kiến tạo trượt xuống bên dưới mép của mảng bên cạnh.
Mảng kiến tạo có thể hiểu nôm na là những mảnh vỏ của Trái Đất. Các mảng này liên tục di chuyển, trượt lên nhau, khiến các lục địa và đại dương chúng cõng trên lưng cũng liên tục thay đổi hình dạng. Chính quá trình kiến tạo mảng đã khiến Trái Đất nhiều lần xuất hiện siêu lục địa, rồi lại tan rã thành nhiều châu lục như ngày nay.
Một tinh thể zircon lớn được gắn vào "đế" làm bằng canxit. (Ảnh: SCIENCE ALERT)
Kiến tạo mảng và các hoạt động địa chất khác có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các điều kiện phù hợp với sự sống trên Trái Đất, làm thay đổi thành phần đại dương và khí quyển, nên việc hiểu rõ thời điểm và cách thức kiến tạo mảng được khởi động có thể giúp tìm câu trả lời cho vất đề lớn: điều gì khiến Trái Đất sống được.
Theo Science Alert, vệc phân tích những hạt zircon này có thể đem lại điều mong đợi đó. Các đồng vị hafnium kim loại và các nguyên tố vi lượng trong chúng có thể được sử dụng để suy luận ra loại đá mà từ đó chúng kết tinh, được đánh dấu bằng những mốc thời gian cụ thể.
Những tinh thể này gần như "bất tử", nguyên vẹn từ khi chúng ra đời, nhưng chỉ có thể được khai quật tại 12 địa điểm trên khắp địa cầu.
Kho báu này được khai quật ở Vành đai Barberton Greenstone ở Nam Phi, sẽ mang đến cơ hội hiếm có để "quay ngược thời gian" đến tận Liên đại Hỏa Thành (Thái Viễn Cổ, từ khi Trái Đất hình thành đến 3,8 tỉ năm trước) và vài trăm triệu năm đầu của Liên Đại Thái Cổ.
Những hạt cổ xưa nhất còn giúp gợi ý về thành phần của lớp vỏ "Trái Đất địa ngục" trong giả thuyết. Các nhà khoa học luôn tin rằng trong Liên đại Hỏa Thành, toàn bộ lớp ngoài hành tinh là quả cầu lửa nóng bỏng với biển dung nham, nhưng bằng chứng xác thực về thành phần của lớp vỏ sơ khai này thì cực kỳ hiếm hoi.
Nghiên cứu vừa công bố trên AGU Advances.