Theo Reuters, thỏa thuận được quan chức Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) công bố trong chuyến thăm Pháp vừa qua, ngoài hợp đồng mua 80 tiêm kích đa năng Rafale trị giá không dưới 15 tỷ USD, UAE cũng đồng ý mua 12 trực thăng vận tải Caracal và trang thiết bị đi kèm do Pháp sản xuất. Tổng trị giá của gói hợp đồng này rơi vào khoảng 19,2 tỷ USD.
Đưa thông tin về hợp đồng vũ khí trên, văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, đây là kết quả của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, củng cố khả năng phối hợp hành động vì an ninh và quyền tự chủ.
Cũng theo văn phòng Tổng thống Pháp, hợp đồng vũ khí trên được Tổng thống Macron và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan ký thông qua bên thềm triển lãm thế giới Dubai Expo 2020 tại Abu Dhabi.
Tiêm kích đa năng Rafale. (Ảnh: newsnpr)
Hợp đồng bán 80 tiêm kích Rafale cho UAE là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất của dòng chiến đấu cơ này kể từ khi được Pháp đưa vào biên chế năm 2004. Kỷ lục trước đó thuộc về Qatar và Ai Cập với lần lượt 36 và 54 chiếc.
UAE và Pháp đã đàm phán về hợp đồng mua bán tiêm kích Rafale hơn 10 năm qua. Abu Dhabi hồi năm 2011 công khai từ chối đề xuất bán 60 chiến đấu cơ của Paris, cho rằng thỏa thuận "thiếu tính cạnh tranh và không thể đàm phán".
Những phi cơ đầu tiên dự kiến được Pháp bàn giao cho UAE từ năm 2027, nhằm thay thế phi đội 60 tiêm kích Mirage 2000-9 cũng do Pháp chế tạo. Chúng sẽ hoạt động song song với 50 tiêm kích tàng hình F-35 đặt mua từ Mỹ trong hợp đồng trị giá gần 23,4 tỷ USD được chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi giữa năm nay.
Dassault Rafale là tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ được trang bị nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, tiêm kích Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương, chống hạm và răn đe hạt nhân.
Hệ thống điện tử hàng không trung tâm của Rafale ứng dụng công nghệ tích hợp module hóa, giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của tiêm kích như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho vũ khí và giao tiếp giữa phi công với máy bay. Giá trị của các hệ thống điện tử chiếm tới 30% chi phí chế tạo một chiếc Rafale.
Tổng cộng hơn 200 tiêm kích Rafale đã được xuất xưởng, mỗi chiếc có giá khoảng gần 100 triệu USD, chưa kể tới các hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng. 5 quốc gia đã vận hành dòng chiến đấu cơ này gồm Pháp, Ai Cập, Ấn Độ, Qatar và Hy Lạp, trong khi Croatia đặt mua 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng của Pháp và dự kiến nhận bàn giao từ năm 2023.