Theo Military Watch, phần lớn xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo viện trợ cho Quân đội Ukraine đã không còn hoạt động sau khi chiến đấu với lực lượng Quân đội Nga, với hơn 1/4 bị phá hủy hoàn toàn và số còn lại bị hư hỏng vượt quá khả năng sửa chữa.
Foreign Affairs, tạp chí của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tạp chí về chính sách đối ngoại có ảnh hưởng nhất của Mỹ đã nhấn mạnh rằng, xe tăng phương Tây từng được kỳ vọng là những “vũ khí giúp thay đổi cuộc chơi”. “Tuy nhiên, trong gần 100 chiếc Leopard 2 đang phục vụ ở Ukraine, ít nhất đã có 26 chiếc đã bị phá hủy; những chiếc khác không thể được sử dụng do vấn đề sửa chữa và bảo trì”.
Trong khi xe tăng Leopard 2 được nhiều quốc gia châu Âu cung cấp cho Ukraine chiến đấu trên tiền tuyến, thì những chiếc xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp vẫn đang bị giữ lại ở hậu phương. Điều này được phía Mỹ giải thích rằng, Quân đội Ukraine đang “tăng cường thêm áo giáp cho Abrams để có thể chống lại các cuộc tấn công từ UAV của Quân đội Nga”.
Những hình ảnh về xe tăng Leopard 2 bị phá hủy ở Ukraine. (Ảnh: Military Watch)
Nhiều chuyên gia suy đoán, sau khi trì hoãn việc bàn giao xe tăng Abrams cho Ukraine, Washington tìm cách đảm bảo cho những chiếc Abrams ở Ukraine không phải triển khai chiến đấu cường độ cao như Leopard. Mục đích của việc này nhằm tránh thiệt hại và làm ảnh hưởng đến danh tiếng lĩnh vực quốc phòng của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến việc Ukraine thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết để duy trì lực lượng xe tăng có trong biên chế. Trước đó vào tháng 11/2023, Forbes đưa tin quân đội Ukraine đã mất “1/4 số xe tăng tốt nhất do Đức sản xuất”.
Trước đó, Leopard 2 cũng được nhiều chuyên gia dự đoán chịu tổn thất rất nặng nề khi đối đầu với các lực lượng Nga. Leopard từng được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và quân nổi dậy người Kurd ở Syria và Iraq. Các sĩ quan cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó phàn nàn về những tổn thất nặng nề của xe tăng Leopard trước lực lượng dân quân.
Leopard 2A6 lần đầu tiên được ghi nhận chịu nhiều tổn thất ở Ukraine vào đầu tháng 6, chỉ vài ngày sau khi được triển khai để tấn công các vị trí của Nga. Sau đó, những đoạn phim do lực lượng Nga công bố thu giữ những chiếc xe thiết giáp do Mỹ và Đức chế tạo bị bỏ rơi cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Xe tăng Challenger 2 của Anh bị phá hủy ở Ukraine.
Kể từ cuộc phản công thất bại, ngày càng có nhiều hình ảnh về những chiếc Leopard 2 bị tiêu diệt bởi nhiều loại vũ khí từ mìn, tên lửa Kornet cho đến tên lửa Vikr-1 do trực thăng tấn công Nga phóng.
Bên cạnh Leopard 2 của Đức, xe tăng Challenger 2 của Anh cũng chịu những mất mát với hai chiếc bị phá hủy trong tổng số 14 chiếc đã chuyển cho Ukraine. Ngoài các vấn đề về mức độ bảo vệ của áo giáp hạn chế và nhu cầu bảo trì cao, xe tăng Leopard còn hoạt động kém trong bùn mùa đông ở Ukraine - một vấn đề mà những phiên bản tiền nhiệm của chúng phải đối mặt trong Thế chiến thứ hai.
Xe tăng T-80 của Nga với động cơ tua-bin khí, cùng loại động cơ được sử dụng trên xe tăng M1 Abrams của Mỹ, đã chứng tỏ khả năng hoạt động tốt hơn nhiều ở những địa hình như vậy.
Một số nguồn tin phương Tây đã tìm cách biện minh cho những tuyên bố rằng thiết kế xe tăng của Đức có vấn đề về hiệu suất và thiếu khả năng sống sót. Họ thường xuyên đổ lỗi cho chiến thuật của lực lượng Ukraine sử dụng và việc họ không thể áp dụng các phương pháp hoạt động tiêu chuẩn của NATO là nguyên nhân chính dẫn đến những tổn thất phải gánh chịu.