Theo hãng tin Reuters, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước đã đồng ý áp giá trần dầu Nga ở mức thấp và biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12. Các công ty chính trong ngành dầu mỏ toàn cầu đã tỏ ra sợ hãi vì lo ngại động thái này có thể làm tê liệt hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Nhiều tháng thảo luận giữa Mỹ và các công ty bảo hiểm, thương mại và vận tải biển đã xoa dịu những lo ngại về việc các công ty này có nguy cơ bị trừng phạt. Tuy nhiên, tất cả các bên giờ đều nhận ra rằng Nga phần lớn có thể lách biện pháp này nhờ các tàu và dịch vụ riêng.
Các tàu chở dầu ở Vịnh Nakhodka gần trạm dầu thô Kozmino bên ngoài thành phố cảng Nakhodka, Nga. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết theo ước tính, 80-90% dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy ra thị trường mà không chịu tác động của cơ chế áp giá trần.
Do đó, biện pháp áp giá trần chỉ tác động tới 1 đến 2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế mà Nga xuất khẩu mỗi ngày. Nga đã xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Biện pháp áp giá trần đó có thể gây ra những khó khăn về tài chính và kỹ thuật cho Nga, nhưng cũng sẽ làm mất đi 1-2% nguồn cung toàn cầu của thế giới khi lạm phát đang gia tăng và suy thoái bùng phát.
Mỹ biết rằng một số tàu sẽ thay đổi quốc gia xuất xứ và các thực thể thương mại đang được chuyển ra ngoài G7 để tránh kế hoạch áp giá trần.
Theo quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói trên, Nga sẽ chịu thêm chi phí phát sinh do phải vận chuyển dầu trên tuyến đường xa hơn và phải chịu thêm các trách nhiệm bảo hiểm và tài chính khác. Điều này khiến Mỹ lạc quan rằng dần dần Nga sẽ buộc phải bán dầu theo giá trần.
Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách và công nghiệp đã nhìn thấy những hạn chế của kế hoạch áp trần giá dầu Nga. Kế hoạch này ban đầu tưởng như có thể khiến toàn bộ hoạt động buôn bán dầu của Nga lâm nguy nhưng phạm vi ảnh hưởng giờ đã bị giảm đáng kể.
Ông Andrea Olivi, Giám đốc toàn cầu về vận tải hàng hóa chất lỏng tại công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura nói: “Về lý thuyết, có một đội tàu đủ lớn để tiếp tục giúp Nga đưa dòng chảy dầu thô ra ngoài sau ngày 5/12. Nhiều tàu kiểu này sẽ có thể tự bảo hiểm hoặc được dịch vụ bảo hiểm của Nga phục vụ”.
Ngân hàng JP Morgan nhận thấy biện pháp áp giá trần không có ảnh hưởng khi Nga sẽ gần như lách hoàn toàn biện pháp này bằng cách điều động các tàu của Trung Quốc, Ấn Độ và của chính mình.
Điều đó có thể khiến xuất khẩu của Nga trong tháng 12 chỉ giảm 600.000 thùng/ngày so với tháng 9.
Theo ông Norbert Rucker tại nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer, không chỉ tàu mà các dịch vụ cần thiết để duy trì hoạt động của tàu và giúp dầu lưu thông đang chuẩn bị sẵn sàng. Ông nói: “Các thương nhân kinh doanh dầu mỏ Nga không còn ở Thụy Sĩ, Geneva hay London nữa. Họ phần nhiều tới từ Trung Đông”.
G7 nhất trí kế hoạch áp giá trần dầu Nga vào tháng 9. Mỹ nói với các công ty trong ngành rằng đây là một van an toàn của lệnh cấm hoàn toàn hàng hóa Nga mà EU phê chuẩn vào tháng 6.Các dịch vụ bảo hiểm tuân theo luật của EU bảo đảm 95% hoạt động buôn bán dầu bằng tàu biển của thế giới, có nghĩa là động thái của EU có thể khiến hầu hết các hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị đình trệ.
Điều đó có thể tác động ngược lại các quốc gia nghĩ ra lệnh trừng phạt khi khiến giá năng lượng tăng vọt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt leo thang và suy thoái toàn cầu đang ngày một tới gần.
Quan chức Mỹ cho biết biện pháp áp trần giá đã được thiết kế để các công ty dễ dàng xác minh hoặc chứng thực rằng giá đã được bán dưới mức trần. Quan chức này còn nói thêm rằng mục đích không phải là trừng phạt ngành bảo hiểm hay vận chuyển, đồng thời ngành này có thể giữ lại chứng thực và không bị buộc phải nộp cho một cơ quan đăng ký trung tâm nào đó.
Quy định này đủ lỏng lẻo để cho phép các công ty bảo hiểm yêu cầu người mua dầu của Nga cam kết bằng văn bản rằng doanh số sẽ bằng hoặc thấp hơn giá trần trong suốt thời hạn hợp đồng.
Một quan chức trong ngành nhận định chính sách chứng thực này là tích cực và Mỹ đã hiểu rằng các công ty bảo hiểm không thể tự mình thực thi chính sách.
Còn sáu tuần nữa trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực và ngành bảo hiểm vẫn muốn biết thêm chi tiết về cách thức hoạt động của chứng thực. Họ lo ngại rằng các quy định của EU vẫn chưa đề cập đến quy trình hoặc quy định nghĩa vụ của họ.
Ông Daniel Ahn, một cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết các quốc gia trừng phạt Nga đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong kiểm soát hoạt động thương mại dầu toàn cầu. Sau đó, họ đã phải thay đổi và làm rõ về chính sách nhằm giảm thiểu nguy cơ tự gây tổn hại cho bản thân.