Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phân biệt cúm B với cảm lạnh thông thường

(VTC News) -

Nhiều người thường nhầm bệnh cúm B với cảm lạnh thông thường nhưng thực tế các dấu hiệu của bệnh cúm B thường nghiêm trọng hơn.

Bệnh cúm B tiến triển thường lành tính, tuy nhiên người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể bị biến chứng nặng, thậm chí viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Triệu chứng của bệnh cúm B

Triệu chứng của bệnh cúm B không quá rõ ràng so với cúm thông thường, nhưng người mắc cúm B có triệu chứng xuất hiện trên nhiều bộ phận của cơ thể.

Trong đó các biểu hiện toàn thân là viêm long đường hô hấp trên, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, bủn rủn chân tay, đau nhức cơ, đau khi vận động,…

Ở hệ tiêu hoá, người mắc cúm B có thể có biểu hiện buồn nôn, ở trẻ em thường nôn nhiều, kèm theo đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon,…

Triệu chứng của cúm B thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường.

Người dễ mắc cúm B tiến triển nặng 

Cúm chưa có biến chứng, nghĩa là loại nhẹ, biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần. Cúm có biến chứng nặng là ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định tổn thương ở phổi, với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng, thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm… có hoặc kèm theo các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Nhóm nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng

+ Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ mắc những bệnh mạn tính, chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy thận mạn, xơ gan; trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì; suy giảm miễn dịch bẩm sinh,...

+ Người cao tuổi trên 65 tuổi

+ Phụ nữ có thai

+ Người lớn mắc các bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS), người mắc bệnh lý mạn tính kèm theo như bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu.

Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch dễ bị biến chứng khi mắc cúm B.

Cần làm gì khi nghi ngờ mắc cúm B

Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn nên nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm B. Vì vậy, nếu có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, với cúm B có biến chứng sẽ được nhập viện để điều trị.

Cúm B với biểu hiện triệu chứng nhẹ có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.

Để phòng bệnh cúm B cũng như các bệnh lây nhiễm khác, người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, giữ vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

Tránh tập trung đông người khi có dịch 

Đối với người nghi ngờ mắc cúm B cần phòng lây nhiễm từ người bệnh, cách ly người bệnh ở buồng riêng, thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh, quần áo, dụng cụ của người bệnh.

Nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, nhất là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm, trong đó có trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính, người cao tuổi.

Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Đặc biệt, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

VOV2

Tin mới