Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS Lương Ngọc Khuê: 'Các ca COVID-19 trở nặng nhanh, nhiều người nguy kịch'

(VTC News) -

Theo ông Khuê, trong đợt dịch COVID-19 lần này, bệnh nhân mắc các bệnh lý nền nhiều như tim mạch, thận, thậm chí ung thư.

Tập trung điều trị ca nặng

Sáng 31/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị, bệnh nhân mắc COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 cho biết, đến 30/7, Việt Nam có 7 ca bệnh rất nặng đang điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng gồm: BN416, BN418, BN428, BN431, BN436, BN437, BN438.

Ngoài 7 ca bệnh trên, một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như: BN429, BN426, BN427, BN430, BN422, BN433.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, ngoài việc tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, các đơn vị cũng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế. (Ảnh minh họa).

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện và công bố, nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi, có bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư.

"Rõ ràng bệnh nhân giai đoạn này nặng hơn, tiến triển nguy kịch nhanh hơn giai đoạn trước", ông Khuê nhận định.

Thông tin từ Tiểu ban Điều trị cho biết, trong số các ca mắc COVID-19 nặng, có 2 người phải chạy ECMO, thở máy, lọc máu liên tục là BN416 và BN437. Còn lại, một số bệnh nhân thở máy (BN436, 438, 418) được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân 416 là ca COVID-19 tại cộng đồng đầu tiên phát hiện trong đợt này, diễn biến nhanh, từ ngày 25/7 đã thở máy, đặt ECMO. Bệnh nhân vẫn điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng. Đến nay, bệnh nhân dù còn rất nặng, nhưng tình trạng đã khá hơn, giảm các triệu chứng.

Còn về trường hợp BN437, ông Khuê cho biết, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Người này có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19. Để điều trị cho bệnh nhân này, các chuyên gia hàng đầu đã liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị.

"Dù các chuyên gia, thầy thuốc vẫn tổ chức hội chẩn liên tục nhưng bệnh nhân 437 vẫn rất nặng, tiên lượng dè dặt", ông Khuê nói.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế ngoài việc tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, các đơn vị cũng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế.

"Cuộc chiến phòng, chống COVID-19 còn dài, phía trước còn nhiều thách thức. Do đó, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19.

Vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiệt mạng của bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng", ông Khuê nói.

Dồn toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP. Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng đang rất phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã phong tỏa toàn bộ).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ngay từ đầu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế rất quyết liệt, cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm.

Hàng ngày các ê-kíp này đều báo cáo, trao đổi và hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế cũng cử thêm đội công tác tinh nhuệ do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.

Viện Pauster TP.HCM cũng đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm, Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng được nâng lên nhiều. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/1 ngày.

Bộ Y tế đã điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn  và Bệnh viện Trung ương Huế.

Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch. Bộ Y tế cũng sẽ có văn bản quy định các trường hợp (từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh) đến cơ sở y tế (có khả năng xét nghiệm) để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

Cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng.

"Bộ cũng yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng. Hiện đã có một số bệnh nhân COVID-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... được chuyển ra đây điều trị", quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Video: Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Dốc toàn lực để hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch'

Phạm Quý

Tin mới