Những ngày qua, vụ việc bệnh nhân N.T.K. (TP.HCM) khám bệnh BHYT 80 lần trong hai tháng ở 18 bệnh viện nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Liên quan tới những trường hợp trục lợi BHYT, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho hay, đây là tình trạng diễn ra nhiều năm nay, dù ngành bảo hiểm có hệ thống giám định nhưng vẫn có những người trộm thẻ BHYT, làm giả CNMD đi khám, chữa bệnh (KCB) để trục lợi quỹ BHYT.
Trộm BHYT, làm giả CMND để trục lợi
Đơn cử như hồi tháng 10/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức (cũ) thụ lý vụ án liên quan đến trục lợi KCB BHYT.
Cụ thể, đối tượng Tạ Đình Phú (TP.HCM) đã sử dụng mã thẻ BHYT của ông Nguyễn Hoàng Hổ (SN 1964, Phường 1, quận Tân Bình), ông Vũ Hoan (SN 1968, Phường 6, quận Gò Vấp), ông Nguyễn Sĩ Lợi (SN 1969, Phường Cát Lái, Quận 2), ông Lưu Đức Minh (SN 1963, Phường 3, Quận 3) và làm giả CMND những người này để KCB nhiều lần tại các bệnh viện gây thiệt hại lớn cho BHXH và khiến các nạn nhân khốn đốn.
Lợi dụng lúc đông người KCB, kẻ gian có thể ăn cắp thẻ BHYT, CMND.
Những người này báo mất thẻ BHYT lên BHXH TP.HCM xin cấp lại và không đi KCB nhưng lại có dữ liệu KCB gồm chi phí và các bảng kê toa thuốc ở nhiều nơi. Theo kết luận giám định của BHXH và kết luận của cơ quan tố tụng bị can Tạ Đình Phú phải bồi thường thiệt hại cho BHXH, là những chi phí BHXH đã thanh toán cho các bệnh nhân bị giả thông tin KCB.
Việc xác định hành vi vi phạm và xử lý trách nhiệm hình sự với bị can Tạ Đình Phú sẽ do cơ quan điều tra thực kiện.
“Có thể trường hợp này lợi dụng trong lúc nhiều người nộp CMND xếp hàng chờ khám, xếp chồng sổ khám lên nhau, ăn trộm và dán ảnh lên để đi KCB. Dùng CMND giả và thẻ BHYT của người khác để đi khám bệnh”, bà Hằng nói.
Khám một nơi nhưng có dữ liệu KCB nhiều nơi
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thùy Lan (SN 1968, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng là nạn nhân của nạn trục lợi BHYT.
Theo Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, bà Lan chỉ KCB tại Bệnh viện Phú Nhuận, không KCB BHYT tại các cơ sở KCB như: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo nhưng lại có dữ liệu KCB tại các bệnh viện này. Điều này khiến bà Lan bức xúc và gửi đơn phản ánh lên BHXH TP.HCM hôm 19/3.
Nhận được đơn phản ánh của bà Lan, BHXH TP.HCM tiến hành kiểm tra dữ liệu KCB. Sau khi kiểm tra, BHXH TP xác định bà Lan có dữ liệu KCB nhiều lần tại các cơ sở KCB này.
Sau đó, BHXH TP đã thông báo tới các cơ sở KCB khi phát hiện người có thẻ BHYT mang tên Nguyễn Thị Thùy Lan thì giữ thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân, đồng thời báo về BHXH TP.HCM để giám định việc bà Lan bị người khác đánh cắp mã thẻ BHYT.
“KCB là quẹt thẻ, có những trường hợp BHXH nghi ngờ thì giữ lại giấy tờ tùy thân và mời công an đến ngay lúc khám bệnh. Có 2 trường hợp đã mời công an đến rồi, là ở Bệnh viện Quận 2 và Quận 4. Những trường hợp này là trục lợi, họ đi khám rất nhiều nơi. Trong người của họ khi công an kiểm tra có tới 5-7 thẻ BHYT”, bà Hằng cho biết.
Thẻ BHYT.
Cũng theo Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, mới đây BHXH TP.HCM phát hiện 4 trường hợp KCB BHYT trên 50 lần trong 2 tháng, trong đó, 2 trường hợp là hợp lý do họ trâm cứu, tập vật lý trị liệu, thay băng,... phải đi hàng ngày.
2 trường hợp còn lại là ông N.T.K. và 1 bệnh nhân tên G., ông K. khám 80 lần ở 18 bệnh viện (đã chuyển hồ sơ sang công an), ông G. KCB BHYT 50 lần ở 15 bệnh viện và có dấu hiệu trục lợi BHYT.
BHXH TP.HCM đang tiếp tục rà soát nếu trùng lặp nhiều về chi phí, toa thuốc sẽ mời bệnh nhân G. lên làm việc, nếu có dấu hiệu trục lợi thì gửi hồ sơ qua cơ quan công an.
Cũng theo bà Hằng, những bệnh nhân có đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng ở nơi khác rất khó tìm. Với trường hợp này, BHXH TP.HCM sẽ gửi văn bản đến tất cả các bệnh viện, đề nghị bệnh viện giữ lại người khám nhiều lần có dấu hiệu trục lợi để mời cơ quan chức năng đến làm việc.
Theo BHXH TP.HCM, ngành Bảo hiểm có hệ thống Thông tin giám định BHYT từ năm 2017 để quản lý dữ liệu KCB, tránh trục lợi quỹ BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp khó phát hiện được do các đối tượng làm giả và trộm cắp CMND, thẻ BHYT để khám bệnh nhiều lần nhằm thu lợi bất chính.