Việc Elon Musk tiếp quản Twitter đã khiến nhiều người tự hỏi liệu các lệnh cấm được ban hành trước khi vị tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi trở thành ông chủ Twitter có còn hiệu lực hay không. Trước đó, mạng xã hội với biểu tượng “chim xanh” nổi tiếng đã thẳng tay khóa vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ đầu năm 2021.
Tuy nhiên, Twitter không phải là nền tảng truyền thông xã hội duy nhất mà cựu Tổng thống bị “cấm cửa”, vị doanh nhân kiêm chính trị gia quyền lực này còn bị khóa khỏi hai trang mạng xã hội nổi tiếng khác thuộc tập đoàn Meta là Facebook và Instagram. Sau khi bị cấm khỏi một loạt các nền tảng lớn, Donald Trump đã thành lập một trang mạng xã hội của riêng mình mang tên Truth.
Tỷ phú Elon Musk tiếp quản Twitter mở ra cơ hội cho ông Trump "trở lại" mạng xã hội này.
Mặc dù Truth Social vẫn chưa thực sự thành công nhưng có thể vị cựu Tổng thống Mỹ sẽ được hủy bỏ lệnh cấm sử dụng Twitter trong vài tháng tới. Các tin nhắn được gửi giữa Musk và cựu Giám đốc điều hành của Twitter, Parag Agrawal cho thấy chủ sở hữu mới của công ty có ý định hủy bỏ tất cả các lệnh cấm vĩnh viễn, ngoại trừ các tài khoản spam hoặc tài khoản "ủng hộ bạo lực một cách rõ ràng".
Tuy nhiên, quyết định có thể sẽ nằm ngoài tầm tay của Elon Musk. Để giảm bớt nỗi lo ngại xung quanh việc tiếp quản của mình, Musk đã thành lập một "hội đồng kiểm duyệt" để giám sát các quyết định quan trọng đối với nền tảng. Những quyết định quan trọng đó bao gồm việc xác định chính xác thế nào là vi phạm quyền tự do ngôn luận trên nền tảng.
Musk trước đây từng mô tả lệnh cấm của Trump là "sai về mặt đạo đức", vì vậy ngay cả khi đã có hội đồng kiểm duyệt, nhiều khả năng 1,3 tỷ người dùng Twitter sẽ nhìn thấy sự trở lại của tài khoản Donald Trump. Nhưng Twitter có thể không phải là nền tảng truyền thông xã hội chính thống duy nhất mà Trump có thể lấy lại quyền truy cập trước cuộc bầu cử năm 2024.
Trump đã bị cấm trên hầu hết các nền tảng chính thống
Các lệnh cấm đối với ông Trump trên nhiều nền tảng mạng xã hội được đưa ra ngay sau cuộc bạo động tại điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Nhìn nhận lại một chút, các lệnh cấm trên mạng xã hội của Trump nổ ra ngay sau cuộc bạo động tại điện Capitol vào ngày 6/1/2021 nhằm ngăn chặn việc xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Được biết, các bài đăng trên mạng xã hội của cựu Tổng thống được coi là nhân tố chính gây nên vụ tấn công điện Capitol, và Trump đã bị Facebook và Instagram cấm vô thời hạn chỉ một ngày sau khi bạo loạn ở điện Capitol diễn ra. Sau đó vào ngày 8/1, Twitter đã tiếp bước Facebook và Instagram trao cho vị Tổng thống sắp mãn nhiệm lệnh cấm vĩnh viễn.
Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg từng chia sẻ rằng việc Donald Trump sử dụng nền tảng mạng xã hội của mình để chia buồn thay vì lên án những người ủng hộ vị Tổng thống Mỹ thời đó (những người đã gây ra cuộc bạo loạn) tại điện Capitol đã dấy lên mối lo ngại không chỉ với người dân nước Mỹ mà là toàn bộ thế giới. Đồng thời, ông chủ của gã khổng lồ công nghệ cũng cho rằng hành động của Donald Trump có thể kích động bạo lực một cách nghiêm trọng.
Trong khi Twitter đã chọn lệnh cấm "vĩnh viễn" thì lệnh cấm của Meta cuối cùng lại phức tạp hơn một chút bởi về lý thuyết, Trump có thể khôi phục lại tài khoản của mình sau hai năm kể từ ngày lệnh cấm được ban hành.
Tài khoản Facebook của Donald Trump cũng có thể sẽ được khôi phục
Con đường để cựu Tổng thống Trump quay trở lại Facebook và Twitter sẽ không dễ dàng.
Vào ngày 7/1/2023, lệnh cấm Facebook của Trump về mặt kỹ thuật sẽ hết hạn, nhưng công ty đã đưa ra một điều khoản để đảm bảo nó không kết thúc quá sớm. Vào ngày 4/6/2021, phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta thời điểm đó đã đưa ra một bản tuyên bố nhằm làm rõ các điều khoản về lệnh cấm của Donald Trump và các trường hợp tương tự.
Ban giám sát Meta đã duy trì lệnh cấm cựu Tổng thống nhưng lại khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tính chất "vô thời hạn" của nó. Công ty đã cải tiến chính sách của mình và đưa ra thang điểm trượt cho các chính trị gia sử dụng sai nền tảng của Meta trong các sự cố bất ổn công khai.
Cụ thể, các vi phạm ít nghiêm trọng có thể bị “cấm cửa” từ một tháng đến hai năm. Trong trường hợp của Donald Trump, con số được áp dụng là 2 năm. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc lệnh cấm đầu tiên, việc tái phạm hoặc vi phạm các quy định khác có thể dẫn đến sự trừng phạt mạnh nhất mang tên hạn chế vĩnh viễn tài khoản: "Khi lệnh đình chỉ cuối cùng hết hiệu lực, một loạt các biện pháp trừng phạt leo thang nhanh chóng sẽ được kích hoạt nếu Donald Trump vi phạm thêm trong tương lai, thậm chí là hạn chế vĩnh viễn các trang và tài khoản của ông".
Trước khi vị tỷ phú có thể bắt đầu đăng bài trở lại, các quan chức sẽ "đánh giá xem liệu rủi ro đối với sự an toàn công cộng đã giảm xuống hay chưa". Đánh giá này bao gồm việc xem xét "các yếu tố bên ngoài bao gồm bạo lực, hạn chế hội họp một cách ôn hòa và các dấu hiệu khác của tình trạng bất ổn dân sự".
Nếu hội đồng của Meta quyết định rằng việc để Trump trở lại nền tảng vẫn là một rủi ro thì việc “cấm cửa” sẽ được kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định nữa. Vì vậy, giống như Twitter, vị cựu Tổng thống Mỹ sẽ phải vượt qua một hội đồng trước khi có thể tiếp cận Facebook và Instagram một lần nữa.