"Nga sẵn sàng đối thoại về đảm bảo ổn định chiến lược, duy trì chế độ không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cải thiện tình hình trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 30/6.
Cùng ngày, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận không có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mỹ và Nga là hai cường quốc sở hữu số đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới.
Khi được hỏi liệu có bất kỳ kế hoạch nào cho các cuộc đàm phán ổn định chiến lược giữa hai nước hay không, ông Dmitry Peskov nói: "Rất tiếc là chưa có kế hoạch cụ thể cho việc này".
Ông Putin cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng kiểm soát vũ khí sẽ đòi hỏi nỗ lực chung của các bên.
Lãnh đạo Nga nói rằng Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm giải phóng Donbass, bảo vệ người dân sống ở đó, và "tạo điều kiện đảm bảo an ninh cho chính nước Nga".
Mỹ và Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, ước tính sở hữu khoảng 11.000 đầu đạn hạt nhân.
Cả Moskva và Washington đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc trrong vấn đề vũ khí hạt nhân. Hai bên đã thiết lập một đường dây nóng kể từ Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, với mục đích ngăn chặn những tính toán sai lầm và nguy cơ mở rộng xung đột. Đường dây nóng này đặt tại trụ sở Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu.
Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan từng cho biết, các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân giữa Washington và Moskva khó có thể tiếp tục trong tình hình hiện nay. Vị này cho hay, ông không được Washington hướng dẫn chuẩn bị cho các cuộc đàm phán như vậy.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này đối với quan hệ song phương. Ông John Sullivan viện dẫn việc đầu tiên khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ là gia hạn 5 năm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược (New START).