"Tôi rất vui khi có mặt tại Mông Cổ - đất nước thân thiện với chúng tôi và cùng với người dân Mông Cổ tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng trên sông Khalkhin-Gol", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegviin Amarbayasgalan.
Ông Putin cũng lưu ý Mông Cổ là đồng minh rất trung thành và đáng tin cậy của Liên Xô và Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít cũng như chủ nghĩa quân phiệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh (phải). (Ảnh: TASS)
"Trong nhiều thập kỷ, Nga và Mông Cổ duy trì mối quan hệ hữu nghị rất chặt chẽ. Ngày nay, mối quan hệ này đang phát triển thành công", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra Moskva rất xem trọng sự tương tác thông qua quốc hội: "Trong thế giới ngày nay, đây là đóng góp đáng kể vào việc phát triển mối quan hệ giữa các cơ quan hành pháp".
Hôm 2/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Mông Cổ, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày. Lãnh đạo Nga - Mông Cổ thảo luận về dự án xây dựng đường ống vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt thiên nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal đến Trung Quốc qua Mông Cổ.
Phản ứng về chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng việc Mông Cổ không bắt giữ Tổng thống Putin theo quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế là "đòn giáng nghiêm trọng vào hệ thống luật hình sự quốc tế".
Năm 2023, Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt Tổng thống Putin, buộc 124 quốc gia thành viên - trong đó có Mông Cổ phải bắt giữ nhà lãnh đạo Nga và chuyển ông đến La Hay (Hà Lan) để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Tòa án Hình sự Quốc tế, cho rằng quyết định này mang động cơ chính trị.
Mông Cổ là nước cộng hòa nghị viện, Thủ tướng đứng đầu chính phủ và nắm giữ quyền lực chính trong nước. Năm 2016, nội các được thành lập bởi Đảng chiến thắng hay còn gọi là Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) do Luvsannamsrain Oyun-Erdene đứng đầu.