"Mông Cổ, với vị trí chiến lược của nước này, bày tỏ mối quan tâm muốn hợp tác cùng chúng tôi với 'chính sách láng giềng thứ ba' của họ. Đó là lý do vì sao tôi muốn đến đây" - ông Mark Esper nói với các phóng viên.
Chặng dừng chân của ông Esper đến Mông Cổ trong chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi trở thành bộ trưởng quốc phòng cho thấy tầm quan trọng của nước này ở khu vực.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Mông Cổ kể từ năm 2014, khi ông Chuck Hagel thực hiện một chuyến thăm chỉ kéo dài 4 giờ đồng hồ. Lần này, ông Esper sẽ dành một đêm ở thủ đô Ulan Bator.
Trên bản đồ, Mông Cổ, nằm giữa giữa Nga và Trung Quốc, thể hiện rõ nhất các ưu tiên của Lầu Năm Góc trong những thập kỷ tới, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tối 7/8, ông Esper được chào đón ở Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, với sữa đông khô khi bước xuống máy bay tại sân bay quốc tế Chinggis Khaan. Ông sẽ gặp Tổng thống Mông Cổ và Bộ trưởng Quốc phòng nước này trong hôm nay 8/8.
Nhưng điểm nhấn về nghi lễ trong chuyến thăm là khi ông Esper được tặng một con ngựa làm quà vào cuối ngày hôm nay.
Mông Cổ mong muốn đầu tư từ Mỹ và các nước khác mà họ coi là "chính sách láng giềng thứ ba", giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Hiện tại, hầu như hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ đều phải đi qua Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đã đến Washington để gặp Tổng thống Donald Trump. Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, họ là một đồng minh tốt, Bộ trưởng Esper muốn thừa nhận điều đó, và xem liệu có cách nào để phát triển mối quan hệ đối tác hơn nữa hay không.
Quan chức này nói rằng trong khi chuyến đi không nhằm thúc đẩy bất kỳ sáng kiến cụ thể nào, Mỹ rất muốn xem xét mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực như huấn luyện quân sự để tận dụng thời tiết lạnh của Mông Cổ.
Tầm quan trọng khu vực
Chuyến đi của ông Esper đến Mông Cổ diễn ra vào thời điểm đặc biệt căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm ngoái, quân đội Mỹ đã đặt Trung Quốc và Nga vào trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới, thay đổi các ưu tiên sau hơn một thập kỷ rưỡi tập trung vào cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo.
Mông Cổ là đối tác quân sự từ lâu của Mỹ, cung cấp quân đội cho các nhiệm vụ do Mỹ lãnh đạo ở Iraq và Afghanistan, nơi họ vẫn còn khoảng 200 quân. Họ cũng có mối quan hệ với Triều Tiên, một điều mà Washington có thể tận dụng khi ông Trump tìm cách hồi sinh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ với Bình Nhưỡng. Từ Triều Tiên có thể đến Mông Cổ bằng đường sắt.
Dù vậy, “Mông Cổ sẽ không đứng hẳn về bên nào để chống bên nào”, Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á nói.
“Nhưng họ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Mỹ vì có thể muốn Mỹ tăng cường tham gia về kinh tế và chính trị, mà cũng muốn dễ thở hơn trong quan hệ với Bắc Kinh và Matxcơva”, ông Denmark nhận định.