Hôm 14/2, trong cuộc họp được phát sóng trên truyền hình với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin hỏi ông Lavrov liệu có cơ hội đạt được thỏa thuận với phương Tây về vấn đề Ukraine hay không?
Trước câu hỏi của ông Putin, ông Lavrov cho rằng, các cuộc đối thoại với lãnh đạo châu Âu và Washington trước đó đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể và những mục tiêu của Nga đáng để theo đuổi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi đề nghị tiếp tục những nỗ lực này", ông Lavrov đề xuất. Tổng thống Putin trả lời: “Tốt thôi".
Trong cuộc họp, ông Lavrov cho biết, Mỹ đã đưa ra các đề xuất cụ thể về giảm thiểu rủi ro quân sự, song phản hồi đối với các đề xuất của Nga từ NATO và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thỏa đáng.
Cuộc họp của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov mở ra hy vọng về nỗ lực ngoại giao nhằm giúp châu Âu thoát khỏi nguy cơ một cuộc xung đột lớn.
Căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục gia tăng những ngày gần đây. Loạt nước rút nhân viên ngoại giao, kêu gọi công dân rời Ukraine do lo ngại Nga tấn công Kiev. Hôm 14/2, Mỹ thông báo tạm dời đại sứ quán ở thủ đô Kiev tới thành phố Lviv.
Phát biểu trước quyết định chuyển đại sứ quán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Con đường ngoại giao vẫn còn nếu Nga thiện chí. Chúng tôi mong muốn nhân viên của mình trở lại đại sứ quán ở Kiev ngay khi có thể", ông Blinken nói.
Hôm 14/2, Tổng thống Joe Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. “Lãnh đạo hai nước đã thảo luận về các cam kết ngoại giao gần đây của họ với Ukraine và Nga”, Nhà Trắng cho biết.
"Họ cũng xem xét các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang diễn ra để đáp lại việc Nga tiếp tục tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", thông cáo từ Nhà Trắng cho biết thêm.