Clip: Ông chủ hiệu sách nói về ý tưởng thực hiện ‘cây ATM’ phát gạo miễn phí ở Hà Nội
Sáng 11/4, “cây ATM” phát gạo miễn phí cho người lao động nghèo Hà Nội bắt đầu hoạt động tại Nhà văn hóa Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi) - chủ nhân các "cây ATM" có mặt từ sáng sớm, tất bật hướng dẫn những người đến nhận gạo. Ít ai ngờ người đàn ông gầy gò có nước da đen sậm này là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty sách Thái Hà (Thái Hà Books).
Ông Hùng nhắc nhở người dân xếp hàng nhận gạo đứng vào ô vẽ sẵn để đảm bảo khoảng cách 2m.
Chứng kiến “cây ATM” phát gạo vận hành suôn sẻ, ông Hùng vui sướng chia sẻ, để làm được điều này, ông nhận sự giúp đỡ của nhiều người và sự ủng hộ của các lãnh đạo chính quyền.
“Tôi định gửi 3 đơn đến thành phố, quận, phường để xin vận hành cây ATM phát gạo tại Nhà văn hóa Nghĩa Tân. Tuy nhiên, tôi chưa kịp gửi thì có lãnh đạo bên Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gọi điện bảo rằng sẽ nói chuyện với phường để việc phát gạo theo cách này được thực hiện. Sau đó, lãnh đạo phường tạo điều kiện, giúp đỡ chúng tôi”, ông Hùng chia sẻ.
Ban đầu, doanh nhân này dự tính đặt “cây ATM” phát gạo miễn phí tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhưng sợ bất tiện vì xa trung tâm.
Sau đó, ông dự tính chuyển xuống công ty sách của mình ở Cầu Giấy, nhưng lại sợ nơi này chật hẹp. Cuối cùng, ông cùng các cộng sự chốt đặt "cây ATM" tại Nhà văn hóa Nghĩa Tân.
Người đến nhận gạo miễn phí chỉ cần nhấn pê đan, máy ATM sẽ tự động nhả 3kg gạo.
Chủ tịch Thaihabooks tâm sự, ông từng bị chính quyền từ chối đề nghị được tổ chức phát gạo miễn phí cho người nghèo bởi cách phát gạo truyền thống không đảm bảo phòng dịch bệnh.
“Chúng tôi phát gạo bằng túi cho người dân nhưng chính quyền đến giải tán vì không chắc chắn rằng chúng tôi có đảm bảo an toàn về phòng dịch bệnh và an ninh trật tự hay không", ông Hùng kể.
Nói về cơ duyên đến với máy phát gạo bằng chân, ông chủ hiệu sách tâm sự sau khi đọc bài báo về “cây ATM” phát gạo ở TP.HCM, ông lập tức tự hỏi “Tại sao TP.HCM có mà Hà Nội lại không có?”.
Sau đó, ông đăng tải ý tưởng của mình lên mạng xã hội và được nhiều người ủng hộ, trong đó có anh Doãn Thanh Tùng, người vẽ bản thiết kế và lắp đặt mô hình cây ATM phát gạo.
Mô hình hoạt động của máy phát gạo tự động.
Anh Tùng cho hay, sau khi vẽ bản thiết kế, anh đi lắp đặt mô hình và được rất nhiều người giúp đỡ, người giúp phần cơ khí, người ủng hộ phần linh kiện điện tử.
“Cây ATM được làm từ sáng đến 23h ngày 10/4 thì hoàn thành, chi phí khoảng 6 triệu đồng, tuy nhiên do nhiều thứ được ủng hộ nên chưa tính chính xác được”, anh Tùng cười nói.
Về cơ chế hoạt động của máy, tác giả cho biết, gạo được đổ vào bồn chứa ở tầng hai và chảy xuống tầng 1. Van được đóng ngắt bằng pê-đan ở tầng một. Mỗi lần người dân đạp chân vào pê-đan, van sẽ xả lượng gạo nhất định là 3kg.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự tính từ 11/4 đến 30/4, ông sẽ phát 10 tấn gạo cho người lao động nghèo. Máy hoạt động từ 8h đến 17h mỗi ngày. Nếu có người ủng hộ gạo, thời gian "cây ATM" vận hành sẽ được kéo dài thêm.
Đến Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân nhận gạo từ sớm, bà Trần Thị Lành (62 tuổi, tạm trú tại phường Láng Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khi đi qua Nhà văn hóa, bà nghe thấy loa đài thông báo về chương trình phát gạo từ cây ATM tự động nên đến lấy gạo để về nấu cơm cho gia đình.
"Tôi và chồng tôi ở riêng vì các con cũng nghèo nên không nhờ cậy được nhiều. Tuy tôi bị ung thư nhưng hàng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề đồng nát. Nay tôi nhận được 3kg gạo đủ ăn cho hai vợ chồng trong mấy ngày, tôi thấy rất ấm lòng", bà Lành rơm rớm nước mắt.
Bà Phạm Thị Hòa (50 tuổi, tạm trú phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) là nhân viên vệ sinh môi trường, bà Hòa chia sẻ, trong những ngày dịch này, công việc của bà cũng bị gián đoạn và mức thu nhập cũng bị ảnh hưởng. Gia đình cũng không mấy dư dả nên nhận được 3kg gạo bà rất xúc động.
"Chiếc máy này hoạt động rất thông minh, việc lấy gạo vừa nhanh vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh. Chúng tôi cảm ơn Ban tổ chức, cảm ơn cộng đồng đã giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh này, tôi cảm ơn rất nhiều", bà Hòa nghẹn ngào nói.