Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Biden không dự APEC lần thứ 29, Mỹ đang nhường 'sân chơi' cho Trung Quốc?

Về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham dự APEC mà cử Phó Tổng thống Kamala Harris, tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức cho rằng đây là "sai lầm" của Mỹ.

Theo tạp chí này, Tổng thống Joe Biden không tham dự Hội nghị kinh tế lớn nhất khu vực Thái Bình Dương vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, động thái của ông lại tạo cơ hội lớn để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "chiếm lĩnh sân khấu". Điều này đã thu hút sự chú ý tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội tại APEC để trình bày các ý tưởng về "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu". (Nguồn: CNN)

Trong Hội nghị này, nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn tìm cách mở rộng hơn nữa ảnh hưởng kinh tế của đất nước trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong hợp tác kinh tế khu vực.

Trước tình hình bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, nhà lãnh đạo Trung Quốc tận dụng cơ hội này để trình bày các ý tưởng về "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu".

"Một sai lầm không đáng có"

Chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ ông Matthew Goodman nhận xét: Việc Tổng thống Mỹ không tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC là một sai lầm không đáng có.

Chuyên gia Goodman cho rằng lẽ ra Tổng thống Biden nên có mặt ít nhất vài giờ tại Hội nghị "để cho toàn khu vực này thấy rằng ông quan tâm tới khu vực". Thực tế, Tổng thống Biden không phải đi quá xa để thực hiện điều này, vì chuyến bay từ đảo du lịch Bali của Indonesia, nơi ông vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đến Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở thủ đô của Thái Lan, chỉ mất 4 giờ đồng hồ.

Việc nhà lãnh đạo Mỹ từ chối tham dự hội nghị này cũng gây bất ngờ bởi chính Mỹ sẽ là chủ nhà APEC và sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào năm tới. Thay vì Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris tham dự Hội nghị. Bà có một bài phát biểu trước công chúng bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhằm thúc đẩy tầm nhìn của Mỹ trong khu vực.

Truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức nước này cho biết, Phó Tổng thống Harris muốn chứng minh rằng "đối với các nền kinh tế và doanh nghiệp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không có đối tác nào tốt hơn Mỹ".

Ngoài ra, bà muốn tập trung vào sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) mà Mỹ đã đưa ra hồi đầu năm nay. Sáng kiến này là nỗ lực chính của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á.

13 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, đã tham gia sáng kiến. Một trong những mục tiêu của sáng kiến này là cải thiện hợp tác trong chuỗi cung ứng công nghệ và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số.

Tổng thống Biden không tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, IPEF không thể cung cấp cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quyền tiếp cận miễn thuế vào thị trường Mỹ. Do đó, lợi ích kinh tế cho các quốc gia tham gia sẽ bị hạn chế rất nhiều. Trung Quốc chi phối chính sách thương mại tại châu ÁTrong khi đó, Trung Quốc đã chi phối chính sách thương mại trong khu vực châu Á kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vào đầu năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã có hiệu lực. Hiệp định này bao phủ tới 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Đối với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất. Trước những căng thẳng ngày càng tăng với Mỹ, chính phủ Trung Quốc cũng muốn mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước láng giềng ở phía Nam của mình.

Hồi tháng Chín vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng đang làm việc với "Phiên bản 3.0" của thỏa thuận thương mại tự do với khu vực. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa được tổ chức cuối tuần qua tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định ý định tăng cường hợp tác với Đông Nam Á trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp hóa và kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc.

Tổng thống Biden cũng tham dự Hội nghị ở Phnom Penh. Ông cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các nước ASEAN. Mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ đã chính thức được nâng lên thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" - cùng cấp độ ngoại giao mà lâu nay Trung Quốc đã duy trì với khu vực này.

Tổng thống Biden cam kết: "ASEAN là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền tôi". Tuy nhiên, điều gây chú ý nhiều nhất trong tuyên bố này không phải là động thái "quyến rũ ngoại giao" của Mỹ, mà là nơi đưa ra lời tuyên bố.

Thay vì tại Campuchia, nhà lãnh đạo 79 tuổi của Mỹ lại chọn Colombia - quốc gia ở bên kia địa cầu, làm nơi thể hiện bài phát biểu của mình.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

Tin mới