“Chúng ta phải kiên quyết phản đối chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề lương thực cũng như năng lượng”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, đồng thời bày tỏ phản đối với việc các quốc gia phương Tây liên tục thực thi chính sách trừng phạt.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp đến cuộc xung đột Nga - Ukraine song mô tả thế giới đang ở trong "thời kỳ hỗn loạn và biến động", kêu gọi "cởi mở và hợp tác" giữa các quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Trước đó cùng ngày, trong cuộc gặp bên lề G20 với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc hối thúc Nga ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trong cuộc hội đàm kéo dài một giờ đồng hồ, ông Macron kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc "chuyển thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tránh leo thang và nghiêm túc trở lại bàn đàm phán".
Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh, các quốc gia phải "đoàn kết lực lượng để đối phó... với các cuộc khủng hoảng quốc tế như xung đột Nga - Ukraine".
Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/11, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản đối với hai bên.
Theo ông Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo cần xây dựng hướng đi đúng đắn cho quan hệ Mỹ - Trung và nâng tầm quan hệ song phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về lập trường trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, hướng đến hợp tác với ông Biden.
Trong khi đó, phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói không nên chia tách thế giới, các nước phải "tránh cuộc Chiến tranh Lạnh khác". Ông Widodo cũng nhấn mạnh nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới phải thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng cấp bách hiện nay đối với toàn cầu.
Lãnh đạo Indonesia kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn cung cấp năng lượng.