Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông bà già chơi Facebook, được và mất gì?

(VTC News) -

Lứa tuổi 45 tuổi trở lênlà nhóm người dùng mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam, tăng đến 60% mỗi năm, theo thống kê của tổ chức We are social năm 2019.

Theo nghiên cứu này, ở nước ta nhóm đông đảo nhất sử dụng mạng xã hội như Facebook đang là nhóm 25-34 tuổi. Nhưng "khách hàng" tiềm năng của Facebook lại là đối tượng trung niên và cao tuổi. 

Mạng xã hội không còn là sân chơi riêng của người trẻ

Ông Đặng Đình Bảng thích thú khi gọi điện cho con cháu bằng video trên ứng dụng zalo.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có mạng Internet, người cao tuổi ở bất kỳ đâu cũng có thể bước vào thế giới mạng xã hội.

Ông Đặng Đình Bảng ở quận Đống Đa, Hà Nội rút trong túi áo ra chiếc điện thoại thông minh được con tặng năm ngoái. "Facebook, Zalo của cô là gì nhỉ?" - ông cụ đã ngoài 70 tuổi nhoay nhoáy lướt mạng xã hội, thành thạo các tính năng: tìm bạn, nhắn tin, tạo nhóm, gọi video...

"Cái này hơn cái cục gạch nhiều. Mình tiện liên lạc, vào mạng đọc tin tức" - ông Bảng thích thú khi nói về chiếc điện thoại đa năng, không cần bấm chỉ cần vuốt.

Thực ra, con cháu chỉ việc giới thiệu cho ông cách sử dụng điện thoại, tải app - ứng dụng cơ bản, còn lại là ông tự mày mò tạo tài khoản. Nỗi buồn tuổi già, chân tay nhàn rỗi ngày nào giờ được khỏa lấp bằng mạng xã hội. "Chỉ cần gửi tin nhắn vào nhóm bạn là ngày mai đi uống bia nhỉ, thì cả 10 người bạn đều nhận được mà không phải gửi cho từng người" - ông Bảng chia sẻ. 

 

Năm 2018, công ty nghiên cứu thị trường eMarketer công bố Facebook đang dần mất đi sức hút với giới trẻ, trong khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này lại đón nhận làn sóng người dùng trên 55 tuổi. Đơn giản là người cao tuổi có nhiều thời gian, họ có nhu cầu kết nối bạn bè, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Đặc biệt hiện nay các gia đình nhiều thế hệ ít dần, con cái có xu hướng lập gia đình sẽ tách ra ở riêng. 

Dễ bị lừa 

Tuy nhiên, không phải ai dùng mạng xã hội cũng biết đây là con dao 2 lưỡi. Ông Đặng Hữu Phú ở Hà Nội cho biết hiện nay ông có gần 5 nghìn bạn trên Facebook. Cứ ai gửi lời kết bạn là ông đồng ý, không cần biết nick thật hay ảo. Chỉ là thi thoảng là có tài khoản nhắn tin để vay hoặc xin tiền.

Hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo trên mạng xã hội như nạp thẻ điện thoại, giả vờ là người quen để vay tiền hoặc lừa trúng thưởng với số tiền lớn, yêu cầu tài khoản phải nộp tiền trước mới được nhận thưởng. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi rất dễ bị sập bẫy bởi sự cả tin.

Người cao tuổi hay cả tin sẽ dễ bị các chiêu trò lừa đảo trên mạng.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Máy tính và Tự động hóa Quốc gia của Pháp (INRIA),những người trên 65 tuổi thường phát tán thông tin giả nhiều hơn những người 18-29 tuổi.

Nhà nghiên cứu Ioana Manolescu, Giám đốc Viện nghiên cứu cho rằng kết quả nghiên cứu này không gây ngạc nhiên bởi: “Người cao tuổi thường hay cả tin. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người lớn tuổi chia sẻ những tin tức hoàn toàn không thể tin nổi và sai lệch mà không hề hay biết”.

Vậy là ngoài sử dụng thành thạo các tính năng trên mạng xã hội như cách đăng ảnh, chia sẻ thông tin, nhắn tin nhóm, gọi video, người cao tuổi cũng phải cẩn thận trước rừng thông tin tràn lan trên mạng xã hội. "Không phải trên mạng nói cái gì mình cũng tin, phải biết chọn lọc" - ông Đặng Đình Bảng chia sẻ kinh nghiệm.

Các chuyên gia khuyên con cháu nên dành thời gian chia sẻ, quan tâm và nhắc nhở các cụ các chiêu trò lừa đảo, tránh tình trạng việc đã rồi.

Không chỉ dựa trông chờ vào việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, những người sử dụng mạng xã hội cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Không giao dịch trên mạng xã hội với những nguồn không an toàn. Và điều tiên quyết là không được dễ dàng tin bất kỳ ai trên mạng xã hội, kể cả bạn bè, người thân. Nếu ai đó cần mình giúp đỡ như chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại thì các cụ hãy đặt nghi vấn và gọi điện trực tiếp cho người đó.

Anh Thu/VOV2

Tin mới