Nếu như ở hầu hết các quốc gia, để được tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc học nào, các bạn trẻ phải vượt qua được những bài kiểm tra hay kỳ thi, thì tại Philippines, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc học. Học sinh tại đất nước này phải trồng ít nhất 10 cây xanh nếu muốn nhận bằng tốt nghiệp. Và điều luật này áp dụng cho tất cả cấp từ tiểu học, trung học cho đến đại học.
Toàn bộ học sinh từ tiểu học đến trung học, đại học đều phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi ra trường.
Philippines vốn đã có truyền thống trồng cây khi tốt nghiệp, nhưng chỉ bắt đầu từ tháng 5/2019, Quốc hội nước này mới chính thức ban hành bộ luật biến hoạt động này thành một nhiệm vụ bắt buộc.
Gary Alejano, tác giả chính của đạo luật, cho biết: “Với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học và gần 5 triệu học sinh tốt nghiệp trung học và gần 500.000 học sinh tốt nghiệp đại học mỗi năm, sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ đảm bảo rằng ít nhất 175 triệu cây mới sẽ được trồng mỗi năm”.
Trồng cây có thể được gọi là "KPI" đầu đời dành cho thế hệ trẻ Philippines.
Theo ông, mục tiêu chính là thúc đẩy trách nhiệm giữa các thế hệ cũng như bảo vệ môi trường. Ngay cả khi chỉ có 10% tổng số cây trồng sống sót, điều này vẫn tạo ra đến 525 triệu cây được sản sinh ra trong một thế hệ.
Quy định này xuất phát từ vấn nạn phá rừng nghiêm trọng ở đất nước này được xếp vào hàng cao bậc nhất thế giới.
Những cây này sẽ được trồng trên khắp đất nước, trong rừng ngập mặn, các khu bảo tồn, các điểm khai thác bị bỏ hoang, các khu đô thị,... Các loài cây phải phù hợp với từng vị trí, khí hậu và địa hình.
Ông Alejano nói thêm rằng những cây này sẽ trở thành di sản sống của học sinh đối với môi trường và thế hệ tương lai. Động thái này được chính phủ Philippines coi là một biện pháp đối phó khi tổng độ che phủ rừng của đất nước đã giảm từ 70% xuống còn 20% do nạn phá rừng nghiêm trọng.
Truyền thống trồng cây mỗi khi tốt nghiệp đã có từ lâu ở Philippines, nhưng bắt đầu từ 3 năm trước mới chính thức được hợp thức hóa thành luật.
Một bạn trẻ Philippines tham gia việc trồng cây.
Trên thực tế, đây không phải là sáng kiến tích cực duy nhất liên quan đến thế hệ trẻ và việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Một trường học ở Ấn Độ đã yêu cầu học sinh của mình đóng “học phí” bằng cách thu gom, mang đến trường và tái chế rác thải nhựa nằm khắp thị trấn. Sáng kiến này đã giúp nâng cao nhận thức về rác thải nhựa ở các nước châu Á. Nó cũng tạo điều kiện đi học cho nhiều trẻ em nghèo và thậm chí giúp học sinh kiếm được một khoản tiền bằng cách tái chế nhựa để chấm dứt vấn nạn sử dụng lao động trẻ em.