Chồng em mới 40 tuổi thôi nhưng chăm làm thơ hơn cả các cụ về hưu rảnh rỗi. Nói thật là thời son trẻ, cũng nhờ thơ mà ông ấy cưa đổ em. Em không có thói quen lưu trữ kỷ vật, chứ nếu tập hợp lại thì chỗ thơ cưa gái hồi đó cũng đủ in một tập (mà thực tế thì ông ấy cũng đã in một tập rồi, tuy nhiên không phải toàn thơ tình). Bọn con gái thời ấy lãng mạn sến sẩm chứ không thực tế như các cô bé bây giờ, những anh đẹp trai lãng tử đàn ngọt hát hay lại biết làm thơ rất dễ tỏ tình thành công. Chồng em không đẹp trai nhưng mấy đặc điểm kia thì đủ cả.
Lấy nhau rồi, đập mặt vào cơm áo gạo tiền với chăm sóc hai đứa con, em chẳng mặn mà gì với thơ nữa. Chồng em sau nhiều lần đọc thơ thấy vợ đầu gật gật nhưng miệng ngáp ngáp thì dần dần cũng biết ý mà buông tha. Ngoài giờ làm việc, ông ấy thường lôi đám bạn đi nhậu, nhậu chán thì hát hò đàn địch, ngà ngà rồi thì bắt đầu đọc thơ cho nhau nghe. Nếu trong cuộc rượu đó có mấy ông làm thơ thì cứ nghe tác phẩm của nhau là hòa. Còn nếu có mỗi chồng em thì bạn bè gọi là chết với ông ấy. Nhiều lúc, mấy ông ra quy định chỉ được đọc miễn phí 3 bài đầu, còn về sau cứ đọc mỗi bài thì bỏ vào mũ 200 nghìn đồng để lát trả tiền nhậu. Đừng ai bảo làm thơ thì không tốn kém.
Những ngày Hà Nội giãn cách, chồng em không còn ai khác ngoài vợ con để chia sẻ những tác phẩm mới. Ông xã bảo, đăng thơ lên Facebook rồi trả lời bình luận là chưa đủ, mà phải được đọc nó lên cho công chúng (dù chỉ một vài người) thì mới thấy sướng, mới giải tỏa được hết năng lượng và cảm xúc.
Thế là cả tuần nay, ngày nào mẹ con em cũng “được” nghe thơ ngày mấy lần. Nể bố, hai đứa trẻ đang học cấp hai cũng chịu khó được mấy ngày, nhưng rồi sau đó chúng cực kỳ cảnh giác, chỉ ra khỏi phòng những lúc thực sự cần thiết, và hễ thấy có “dấu hiệu nguy hiểm” là nháy nhau lỉnh đi cả, để lại mỗi mẹ nó chịu trận vì dù ra phòng khách hay về phòng ngủ cũng không thoát khỏi thi sĩ đang tràn trề năng lượng sáng tạo và ham muốn chia sẻ này.
Mà em thì có rảnh đâu. Vẫn phải làm việc online, cộng thêm nấu ăn ngày 2 bữa (nhà thơ làm hộ được bữa sáng), giặt giũ lau nhà là hết ngày. Chồng cũng có giúp, nhưng là để khi vợ được nghỉ tay ngồi ăn miếng trái cây, định xem phim, xem Youtube thì ông ấy lân la buôn chuyện rồi kiểu gì cũng gạ nghe thơ mới viết. Nghe thì ông ấy vui, còn hắt hủi thì ông ấy dỗi, nên em cũng cố gắng.
Có điều nếu vợ có thái độ tốt thì chẳng bao giờ chồng dừng lại ở một hai bài. Hết thơ mới viết, ông ấy gạ nghe bài cũ mà “anh mới sửa mấy chỗ để sắp tới cho in, đọc em nghe xem có ổn không”. Có hôm em lỡ dại góp ý mấy chữ, nhà thơ tâm đắc đến nỗi hăm hở đọc thêm dăm bài nhờ góp ý, rồi đọc cả những bài trong tập đã in. Ù hết cả tai, đặc hết cả đầu.
Thế nhưng thật lòng thì em cũng vui bởi hiếm khi có dịp cả nhà ở bên nhau, tương tác với nhau nhiều đến thế. Những ngày giãn cách này, thu nhập giảm sút, sinh hoạt nhiều thứ bất tiện, hằng ngày nghe tin tức về các vùng dịch phía Nam thấy xót xa và sốt ruột. Bản thân em chẳng giúp được gì ngoài mấy khoản đóng góp nho nhỏ cho các nhóm thiện nguyện, nên tự nhủ gia đình mình phải cố gắng tuân thủ các quy định, và giữ cho tổ ấm của mình luôn mạnh khỏe, tươi vui. Mỗi gia đình hãy cố gắng là một đốm xanh trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch.
Bạn làm gì trong những ngày cách ly xã hội?
Hãy gửi tới VTC News những chia sẻ, những hình ảnh sống động, câu chuyện vui buồn, hoặc bi, hoặc hài của bạn về những ngày ở nhà trong đợt cách ly xã hội chống dịch COVID-19. Thư xin gửi về địa chỉ: toasoan@vtc.gov.vn.