Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Núi rác uy hiếp môi trường Vịnh Hạ Long: Quảng Ninh xử lý thế nào?

(VTC News) -

Chiều 24/9, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh thông tin về công tác khắc phục, xử lý rác thải trên Vịnh Hạ Long.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, sau bão số 3 (Yagi), lượng lớn rác thải đang trôi nổi trên vịnh, chưa bao giờ Vịnh Hạ Long có khối lượng rác lớn như đợt này.

Lượng rác trôi dạt trên vịnh chủ yếu là phao xốp, lồng bè bị vỡ, cây, cành lá cây từ khu vực ven bờ, các đảo đá trên Vịnh Hạ Long… làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan.

Phao xốp, lồng bè bị vỡ... trôi dạt vào bãi tắm ở khu vực TP Hạ Long.

Ngay sau khi bão đi qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động triển khai các giải pháp khắc phục, huy động cán bộ, nhân viên trong đơn vị, phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức thu gom, xử lý rác thải.

Từ 14-23/9, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long huy động 1.127 lượt người, trên 300 lượt phương tiện thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải. Tuy nhiên, với lượng rác thải rất lớn, trong khi lực lượng của Ban Quản lý mỏng, thiếu các phương tiện chuyên nghiệp nên hiệu quả không cao. 

Ông Cường cho biết, để khắc phục tình trạng trên, Ban Quản lý xác định nhiệm vụ ưu tiên và chia công việc ra thành các giai đoạn nhất định.

Nhiệm vụ đầu tiên là xử lý tất cả lượng rác thải đang phát tán ở khu vực đón khách du lịch, các điểm du lịch và điểm trải nghiệm của khách, sau đó xử lý lượng rác thải trôi dạt vào ven bờ, đặc biệt ven bờ TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn.

"Sau khi đã xử lý các điểm ưu tiên đó, chúng tôi tập trung làm sạch rác ở vùng lõi và vùng đệm vịnh Hạ Long, nhất là trong các chân đảo, các bãi cát hiện nay.

Nếu lượng rác ở các khu vực này không được xử lý kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ thủy triều phát tán ra Vịnh, làm ảnh hưởng đến các điểm tham quan cũng như cảnh điểm đặc hữu của Vịnh Hạ Long", ông Cường nói.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, nhiệm vụ ưu tiên là xử lý tất cả lượng rác thải đang phát tán ở khu vực đón khách du lịch.

Cũng theo Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, về lâu dài cần có giải pháp mang tính đột phá, chuyên nghiệp hơn để xử lý triệt để các nguồn phát tán rác nguy cơ đe doạ Vịnh Hạ Long như rác từ sông Cửa Lục, từ các đô thị giáp ranh Vịnh như TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, các điểm nuôi trồng thuỷ sản, hệ thống nước thải ven bờ đổ xuống vịnh.

"Đó là các giải pháp căn cơ lâu dài, đòi hỏi có các biện pháp xử lý hiệu quả, đầu tư chiến lược tương đối lớn.

Hiện nay, chúng tôi cần nhất sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng, chỉ Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ không thể thực hiện được khối lượng công việc lớn như vậy. Mặc dù phối hợp nhưng cần rõ ràng công việc của ai, ở đâu và làm những gì", ông Cường thông tin.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ, đơn vị đặt quyết tâm cao nhất, cố gắng trong 1 tháng cơ bản trả lại môi trường xanh, sạch đẹp cho Vịnh Hạ Long.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đặt quyết tâm cố gắng trong 1 tháng cơ bản trả lại môi trường xanh, sạch đẹp cho Vịnh Hạ Long.

Nói về khó khăn trong việc thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long sau bão số 3, ông Vũ Kiên Cường cho biết, đơn vị cũng rất trăn trở về phương tiện thu gom rác công suất lớn, tốc độ nhanh. Thực tế, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tham khảo ở nhiều địa phương trong nước, cả các mô hình, mẫu hình trên thế giới nhưng do đặc thù đặc biệt của Vịnh Hạ Long nên chưa có phương tiện tham khảo nào phù hợp.

Trong nước, các phương tiện thu gom rác chủ yếu phục vụ thu gom ở vùng kênh rạch, sông, ao, hồ... Với địa bàn rộng lớn như Vịnh Hạ Long, việc nghiên cứu, tìm hiểu cách thức, biện pháp cũng như phương tiện thu gom phù hợp phải kỹ lưỡng.

Theo ông Cường, về việc này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giao Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu nghiêm túc, tổng thể để có đề xuất, giải pháp như một công trình khoa học cấp tỉnh, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Nguyễn Huệ

Tin mới