Sau vụ việc nữ sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử được cho là do nhà trường kỷ luật bằng hình thức nêu tên trước cờ, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhìn nhận, đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những giáo viên vẫn còn giữ lối suy nghĩ áp đặt, uy quyền.
Hình thức kỷ luật “bêu” tên trước cờ hoặc một số hình thức kỷ luật khác đánh vào tâm lý, danh dự của trẻ và cần bị lên án.
Đến trường, điều đầu tiên học sinh mong muốn là cảm nhận được sự yêu thương, tôn trọng sau đó mới là học kiến thức, kỹ năng. Trong trường hợp này, trường không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Thầy Nguyên cho rằng, có rất nhiều cách để bảo ban, kỷ luật trẻ mà không cần phải sử dụng đến roi vọt. Thế hệ ngày nay khác với thế hệ trước, trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các nền giáo dục, văn hóa trên thế giới. Bản thân các em cũng rất mong muốn được tôn trọng, đề cao cái tôi cá nhân.
"Khi học sinh thay đổi, giáo viên cũng phải thay đổi. Hình thức kỷ luật như úp mặt vào tường, nêu tên trước cờ, roi vọt…đã không còn phù hợp nữa. Giáo viên có thể lựa chọn phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng hơn như cho các con viết thư nhận lỗi, chép bài, phạt lao động”, thầy Minh nói.
Nữ sinh uống thuốc ngủ tự tử do bị kỷ luật trước cờ. (Ảnh: VOV)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, trong thời đại mới giáo viên phải thay đổi hướng tiếp cận từ uy quyền, áp đặt sang hướng giáo dục, kỷ luật tích cực.
Trước đây chuyện học sinh bị kỷ luật trước toàn trường hay thậm chí là nhận đòn roi là hết sức bình thường. Tuy nhiên trong thời đại internet như hiện nay, việc kỷ luật học sinh trước toàn trường khác nào cảnh cáo trước toàn thế giới. Bởi chỉ cần chiếc điện thoại là có thể quay clip và đăng tải lên mạng xã hội.
Do vậy, giáo viên nên hạn chế kỷ luật học sinh trước chỗ đông người. Muốn vậy, thầy cô phải là những người thấu hiểu, quan tâm các em bằng tình thương.
Thầy Khang đưa ra 3 hình thức kỷ luật học sinh không nên sử dụng mà cần phải được thay thế. Một là, không kỷ luật học sinh trước lớp, trước toàn trường. Hai là không nên đuổi học vĩnh viễn học sinh mà có thể sử dụng hình thức tạm dừng học tập trên lớp. Ba là, kỷ luật bằng roi vọt với học sinh tiểu học.
“Chúng ta thường nóng vội hoặc chỉ dựa vào hành vi của học sinh để kết luận chủ quan sự việc. Tinh thần của nhà giáo dục là phải đi đến sâu gốc rễ vấn đề rồi tìm ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất. Bên cạnh đó việc tư vấn tâm lý cho học sinh mắc lỗi cũng rất quan trọng. Điều đó sẽ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi tiêu cực xảy ra đến học sinh hoặc trong trường học”, thầy Khang nói.
Liên quan sự việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội bức xúc khi Bộ GD&ĐT phổ biến quy định mới về Thông tư 32, kỷ luật và khen thưởng học sinh rất rõ ràng. "Vậy mà tại sao trường vẫn áp dụng hình thức kỷ luật nặng về tính áp đặt, uy quyền dẫn đến hậu quả đáng tiếc?", ông nói và nhấn mạnh các văn bản mới quy định những hình thức kỷ luật học sinh theo hướng tích cực trong đó hình thức kỷ luật, phê bình học sinh trước cờ bị bãi bỏ.
Giáo viên phải có sự đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ học trò. Nhiều trường đang hiểu lầm rằng, việc chiều theo ý học sinh sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT đã có những quy định cụ thể, các trường thực hiện không đúng quy định là sai trái.
“Nhà trường, giáo viên phải xin lỗi học sinh sau sự việc nêu trên. Khi chúng ta làm sai, chúng ta phải xin lỗi đó là triết lý giáo dục cơ bản. Không phải là giáo viên, là nhà trường thì không thể xin lỗi học sinh. Khi thời đại thay đổi, phương pháp giáo dục thay đổi thì bản thân giáo viên cũng phải cởi bỏ tư tưởng truyền thống, hòa nhập, tiến bộ hơn”, thầy Lâm nói.