Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nụ hôn đầu tiên trong lịch sử được ghi lại có từ gần 5.000 năm trước

Trang Straits Times đã dẫn một nghiên cứu mới cho thấy con người lần đầu tiên khóa môi nhau sớm hơn 1.000 năm so với các phân tích trước đây.

Ấn Độ có thể đã mang đến cho thế giới Kama Sutra, một văn bản tiếng Phạn cổ về tình dục, sự khêu gợi và sự thỏa mãn cảm xúc trong cuộc sống, nhưng nước này không còn được coi là nơi sản sinh ra nụ hôn được ghi chép sớm nhất của nhân loại.

Một nghiên cứu mới cho thấy nụ hôn đầu tiên của con người đã diễn ra ở Mesopotamia (Lưỡng Hà) cổ đại, khu vực bao gồm Iraq và Syria ngày nay.

Theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Science ngày 18/5, đã có bằng chứng về nụ hôn ở Mesopotamia cổ đại, ít nhất là 2500 năm trước Công nguyên. Thêm vào đó, cũng có minh chứng cho thấy nụ hôn có thể khiến lây lan các bệnh truyền qua đường miệng.

Bằng chứng về nụ hôn lãng mạn đã xuất hiện từ thời cổ đại ở Trung Đông. (Ảnh minh họa: Bảo tàng Anh.)

Nghiên cứu này đã lật đổ các phân tích trước đó, vốn cho rằng bằng chứng sớm nhất về nụ hôn đến từ Ấn Độ ngày nay, vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên.

Trong khi nụ hôn gần gũi trong gia đình dường như là điều phổ biến của con người ở mọi không gian và thời gian, thì nụ hôn lãng mạn khơi gợi tình dục không được coi là một hành động thông thường trong xã hội. Vì vậy, nụ hôn này thường là một chủ đề được quan tâm trong hầu hết nền văn hóa cổ đại.

Thậm chí trong các văn bản đầu tiên từ thời kỳ Lưỡng Hà, nụ hôn được mô tả liên quan đến các hành vi khiêu dâm.

“Hai văn bản từ (khoảng) năm 1800 trước Công nguyên đề cập chi tiết tới nụ hôn. Một văn bản mô tả cách một phụ nữ đã kết hôn gần như bị lạc lối khi nhận nụ hôn từ một người đàn ông không phải chồng mình. Một văn bản khác nói rằng một phụ nữ chưa kết hôn thề sẽ tránh hôn và quan hệ tình dục với một người đàn ông nào đó”, tiến sĩ Troels Pank Arboll từ Đại học Copenhagen ở Copenhagen, Đan Mạch và Tiến sĩ Sophie Lund Rasmussen của Đại học Oxford, viết trong bài đăng trên tạp chí Science.

Nghiên cứu này cũng cho biết nụ hôn lãng mạn nhuốm màu tình dục đã trở thành một cách để đánh giá mức độ phù hợp giữa hai người bạn đời tiềm năng và thể hiện sự gắn bó giữa một cặp đôi và kích thích tình dục.

Hôn nhau cũng xảy ra ở các loài động vật khác. Ví dụ, tinh tinh có những nụ hôn bằng miệng với nhau để khơi gợi cảm xúc tình dục lãng mạn và cũng có những nụ hôn xã giao để quản lý các mối quan hệ xã hội.

Và vì chúng là họ hàng gần gũi nhất với con người, các nhà khoa học cho biết hành vi của tinh tinh có thể là minh chứng cho sự xuất hiện của nụ hôn và sự phát triển của hành vi này ở tổ tiên loài người chúng ta.

Tuy nhiên, ngoài việc thể hiện vai trò xã hội và tình dục lãng mạn, nụ hôn không may còn khiến lan truyền một số mầm bệnh như virus Herpes simplex 1 (HSV-1) - một căn bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan.

Trong các văn bản cổ đại từng ghi lại một căn bệnh được gọi là bu'shanu. Các nhà nghiên cứu cho biết tên gọi này có thể chỉ HSV-1.

Tuy nhiên, trên thực tế, người Lưỡng Hà cổ đại có cách nghĩ khác về việc mắc bệnh và người ta không đổ lỗi cho nụ hôn là nguyên nhân lây lan bệnh tật. Tuy nhiên, một số yếu tố văn hóa và tôn giáo ngăn cản việc hôn nhau một cách thường xuyên đã vô tình làm giảm sự lây lan của mầm bệnh.

Nguồn: Zing News

Tin mới