Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ công dân thủ đô ưu tú và hành trình 12 năm 'gieo chữ' cho trẻ em khuyết tật

(VTC News) -

Từ nhiều năm nay, lớp học của cô Lê Thị Hòa trở thành mái ấm thứ hai của nhiều trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ.

Lớp học tình thương

Không có tiếng trống trường rộn rã, không có khuôn viên khang trang, rộng rãi, rực rỡ hoa lá, lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bình dị giữa xóm làng Đông Cựu. Lớp học duy trì như vậy trong suốt bao năm qua.

Những đứa trẻ kém may mắn, khiếm khuyết, không thể hòa nhập với cộng đồng tề tựu về đây học tập theo phương pháp đặc biệt của cô Hòa. Từng là đứa trẻ rụt rè nép sau lưng mẹ ngày nào, giờ đây, nhiều em tự tin hơn, có thể đọc, viết và giao tiếp một cách bình thường.

Cô Lê Thị Hòa sinh năm 1973, tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm (Nay là trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây) năm 1992 và được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Sau một thời gian, cô chuyển công tác về trường Tiểu học Đông Sơn và làm Tổng phụ trách Đội từ đó tới nay.

Lớp học tình thương ở của cô Lê Thị Hòa ở “mái trường” Hương Lan.

Thấy nhiều em khuyết tật không có khả năng đến trường, năm 2002, cô xin phép chính quyền địa phương mở lớp dạy học cho các em tại nhà riêng. Sau đó, do học sinh tìm đến ngày một đông, nhà chật, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, năm 2007, cô Hòa đề nghị mượn nhà khách của chùa Hương Lan để dạy học.

Lớp đầu tiên được khai giảng vào ngày 14/9/2007, với 16 em học sinh khuyết tật, 28 học sinh học yếu của trường Tiểu học Đông Sơn. Cô Hoà vừa làm nhiệm vụ chuyên môn tại trường Tiểu học Đông Sơn, vừa là cô giáo dạy trẻ em khuyết tật vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Việc dạy và học của cô và trò ở lớp học tình thương những ngày đầu gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất chật chội, đồ dùng dạy học thiếu thốn, việc giảng dạy cho các em nhỏ khuyết tật gặp nhiều trở ngại.

Đa số học sinh ở lớp học tình thương đều bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ nặng, nhiều em phải ngồi xe lăn. Có em tính tình thất thường, bướng bỉnh. Khó khăn tiếp nối khó khăn, tưởng chừng như không thể duy trì được. Thế nhưng, với sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, cô Hòa từng bước vượt qua và duy trì lớp học đến tận bây giờ.

Cô Hòa tận tình, dạy dỗ những “vầng trăng khuyết” ở lớp học của mình.

Nói về lý do mở lớp học tình thương, cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi ngày xưa rất nghèo, bố mẹ đều là trẻ mồ côi. Cảnh nhà cơ cực, cha mẹ quanh năm làm lụng quần quật kiếm từng đồng nuôi con nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Sự cùng cực đó đến bây giờ vẫn ám ảnh trong tôi. Nghèo khó và thất học là vậy, nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn tạo điều kiện hết mức, động viên các con phải cố gắng học hành cho nên người...”

Giáo án không soạn theo mẫu

Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan ra đời từ sự thấu cảm của người từng trải qua những tháng ngày cơ  cực. 12 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật, cô Hòa không theo bất cứ trang giáo án soạn mẫu nào. Cô tâm niệm, mỗi đứa trẻ đều cần có một phương pháp giáo dục khác nhau để khơi gợi và phát huy điểm mạnh. Không thể rập khuôn máy móc, tùy tiện áp đặt cách giảng dạy lên các em.

Học sinh ở lớp học tình thương em nào cũng mang khiếm khuyết. Em không nói được, em bị khiếm thính, em thiểu năng trí tuệ, em tật nguyền... Trong mỗi tiết học, cô Hòa phải cố gắng phân tách từng đối tượng và khả năng tiếp thu rồi chia thành nhóm nhỏ, từ đó truyền đạt kiến thức theo nhiều cách khác nhau giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ.

Dạy trẻ biết viết, biết đọc đã khó, nhiều trường hợp học sinh bỏ ngang, cô Hòa lại dành thời gian đến từng gia đình để vận động, động viên phụ huynh cho các em đến lớp.

Nhiều em đã biết đọc, biết viết, tự tin hòa nhập với mọi người xung quanh.

Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Hòa lại vào Internet, đọc sách báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi thêm kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước. Từ đó, cô tự chắt lọc kiến thức và rút ra những phương pháp phù hợp nhất đối với học sinh của mình.

Theo cô Hòa, để hiểu và nhớ một đoạn thơ, một bài hát, cả cô và trò có thể phải mất tới vài ba tháng, thậm chí nửa năm. Thế nhưng, quyết tâm của cô chưa bao giờ nguội tắt, hành trình với trẻ em khuyết tật chưa bao giờ gián đoạn.

Từ lớp học bình dị này, nhiều em có thể tốt nghiệp, hòa nhập với cộng đồng như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ). Cô giáo Lê Thị Hòa hy vọng rằng, từ lớp học này, nhiều em nhỏ sẽ ý thức hơn, tận dụng tốt thời gian để tập trung cho học hành, được hòa nhập với môi trường xung quanh.

Cảm thông trước hoàn cảnh của những đứa trẻ kém may mắn, cô Hòa còn thường xuyên cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tham quan di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ..., từ đó khơi gợi lòng biết ơn, lòng trắc ẩn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

Nhờ sự dạy dỗ của cô Hòa, đến nay, trong số 58 em theo học, thì khoảng 30 em biết chữ, biết hát 7 bài hát khác nhau dù thời gian để các em có thể thuộc bài đôi khi lên đến hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Nhiều học sinh của cô Hòa biết đọc, biết viết, tự tin hòa nhập với mọi người xung quanh.

Nhiều em tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến công lao của “mẹ” Hòa, người mẹ không ngại gian khó, uốn nắn từng nét chữ, tiếp thêm nghị lực sống để các em thêm vững bước và thành công như ngày hôm nay.

Với những thành quả đạt được, cô Lê Thị Hòa đđược Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

Từ những trang giáo án không soạn mẫu của cô giáo Hòa, từ mái ấm Hương Lan, những ước nguyện: “Em muốn làm công nhân”, “Em muốn làm cô giáo”… vẫn sẽ được nuôi dưỡng để nhiều trẻ em thiệt thòi có cơ hội biết đọc, biết viết và không ngừng viết tiếp nên những giấc mơ cuộc đời.

Tùng Lâm - Lan Nhi

Tin mới