Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NSƯT Hạnh Thuý: 'Làm gì có diễn viên nào xấu hơn tôi?'

(VTC News) -

Nữ diễn viên Hạnh Thuý cho biết cô “đắt show” với các vai diễn “xấu xí” bởi lẽ “làm gì có diễn viên nào xấu hơn tôi”.

Xuất hiện ấn tượng với vai diễn Thị Lam trong phim kinh dị Tết ở làng địa ngục đang gây sốt, NSƯT Hạnh Thúy đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên VTC News nhiều điều thú vị trong hành trình tham gia vai diễn lần này của mình.

- Dường như trong thời gian này, chị rất có duyên với các vai diễn trong phim kinh dị?

Có lẽ là như vậy, đầu tiên có thể kể đến vai diễn bà điên trong phim Trái tim quái vật, mặc dù phim đó chỉ có 3-4 phân đoạn. Nhưng sau đó là một loạt vai “các kiểu điên” như trong Nhà không bán, Tro tàn rực rỡ và hiện tại là Tết ở làng địa ngục.

Chắc do làm gì có diễn viên nào xấu hơn nên tôi hợp vai diễn kinh dị (cười). Sắp tới tôi cũng nhận thêm một hai vai dạng như vậy.

- Chị từng chia sẻ sự hứng thú với những dạng vai gai góc và kinh dị, chị có thể chia sẻ thêm về sở thích kỳ lạ này của mình?

Thường thì những vai như vậy mang lại cảm xúc rất mạnh, không chỉ cho khán giả mà cho chính bản thân người diễn viên như tôi. Nhưng cũng có những vai mạnh quá, thậm chí quay xong tôi cảm giác bị sợ như phim Tết ở làng địa ngục.

Thật ra lúc đầu tôi không nhận vai Thị Lam trong phim này vì cảm giác câu chuyện khốc liệt quá nên tôi sợ. Sau đó đạo diễn hết lời thuyết phục và chia sẻ thêm về nhân vật và ý tưởng làm nên bộ phim nên tôi đã nhận lời. 

Thế nhưng sau khi nhận xong, kể cả khi quay tôi vẫn sợ. Ngoài nội dung quá khốc liệt về vai diễn người đàn bà điên bị quỷ nhập, đặc biệt là phân cảnh ăn thịt người khiến tôi sợ nhất. Tôi còn lo lắng liệu phim Việt Nam mình những chuyện đó được chấp nhận hay không. Khi phim lên sóng, tôi thấy rất vui và may mắn vì được sự đón nhận nhiệt tình của nhiều khán giả.

 

- Bên cạnh nhưng đánh giá cao, cũng có một số nhận định cho rằng phim "Tết ở làng địa ngục" bị hạn chế về mặt kinh phí nên không được hoành tráng như mong đợi hay có một số điểm khán giả cảm thấy chưa mãn nhãn. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này không?

Tôi không rõ mong muốn của mọi người nhiều hơn cho phim như thế nào, nhưng là diễn viên tham gia trực tiếp tại phim trường tôi thấy mọi người tổ chức rất tốt. Cả đoàn phim nhân sự còn đông hơn dân số hiện có tại làng, mọi người gần như lập nên một ngôi làng mới tại đây để thực hiện phim. Ban đầu không có điện, không wifi nhưng mọi thứ được khắc phục dần dần, mỗi ngày tốt hơn và đầy đủ hơn.

 

- Khó khăn lớn nhất của chị khi tham gia bộ phim “Tết ở làng địa ngục” này là gì?

Đầu tiên có lẽ là cái lạnh cắt da, cắt thịt của thời tiết ở Hà Giang – nơi bộ phim quay hình. Tôi phải dán nhiều miếng giữ nhiệt trực tiếp lên người để không bị ảnh hưởng đến tạo hình và trang phục. Nhưng hậu quả là sau đó da bị phồng rộp như bị phỏng mà phải một hai tháng sau mới hết. 

Rồi việc phải hóa trang với những cảnh máu me, nước đường nhớp nháp nhưng tôi phải luôn “đấu tranh” xem có nên tắm không vì đa số tôi có cảnh quay đêm, sau khi quay xong đến 2-3 giờ sáng, thời tiết rất lạnh, nước có 8 độ, nước nóng để tắm cũng không dễ dàng gì… Tuy nhiên tôi thấy ai cũng gặp những khó khăn khi tham gia phim này nên mình cố gắng vượt qua.

Khó khăn nữa có lẽ là việc tôi phải xa nhà, xa con trong thời gian dài vì việc đi lại giữa TP.HCM - Hà Nội cho đến bối cảnh quay, do giao thông điểm này khá xa trung tâm nên việc đi lại mất rất nhiều thời gian. Tôi cùng cả đoàn đã sống và làm việc trong ngôi làng, cách ly hoàn toàn với thế giới. Bù lại, cảnh quan đẹp như tranh vẽ và cuộc sống thanh bình nơi đây khiến tôi cảm giác như lạc vào xứ thần tiên. 

- Đáp lại những khổ cực của chị và ê-kíp là bộ phim được đón nhận. Chị thấy điều đó có xứng với công sức mình bỏ ra?

Hiệu ứng của phim cũng giúp tôi tái tạo một năng lượng mới, một cái cảm xúc mới. Bây giờ, cứ vai xấu, vai phản diện là các đạo diễn nghĩ tới tôi. Có lẽ họ nghĩ: “Sài Gòn khó kiếm được người nào xấu cỡ như Hạnh Thúy nên tôi cứ phát huy khả năng hết khả năng thôi" (cười lớn).

Nhưng có lẽ trong vài ba năm nữa, nếu cứ nhận những dạng vai như này tôi sẽ có cảm giác bị nhàm. Là diễn viên, tôi luôn muốn được thử thách mình trong những dạng vai khác nhau.

 

- Đóng nhiều vai diễn thế này, chị có ngại nếu bị gán danh xưng “Người đàn bà xấu xí của điện ảnh Việt”?

Tôi cũng như mọi người phụ nữ khác thôi, sẽ không thích người ta gọi mình xấu, nhưng nếu đó là “thương hiệu điện ảnh” thì tôi cảm thấy không vấn đề gì.

Thật ra, ở giai đoạn này tôi đang thấy “chán bản thân” toàn tập. Tôi rất ít khi up hình trên trang cá nhân vì không quen xài app, để kiếm tấm hình đẹp, tôi chụp cả ngàn tấm mới chọn được một tấm “đỡ xấu” (cười). Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng an ủi, có lẽ với vẻ ngoài đó nên tôi mới được Tổ nghề giao cho những vai thực sự rất đặc biệt.

- Chị đánh giá thế nào về sự “lên ngôi” của phim kinh dị Việt thời gian vài năm trở lại đây?

Tôi cảm nhận được dạo gần đây phim kinh dị đang “được mùa”. Cách đây 10 năm là kịch, bây giờ bắt đầu là phim bởi vì sự mở ra của chế độ kiểm duyệt.

Các bộ phim mang yếu tố kinh dị giống như món ăn có gia vị mới, khiến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thích thú. Con gái lớn của tôi mỗi ngày đều kể về việc các bạn trong lớp thích bộ phim Tết ở làng địa ngục như thế nào nên tôi cũng cảm thấy vui lây.

Trịnh Trang (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới