Sở hữu gương mặt lam lũ, vóc dáng nhỏ nên NSƯT Phú Đôn thường xuyên được giao các vai nông dân nghèo khổ hay ông bố sầu não. Cũng vì thế mà nhiều người còn gọi ông là "nghệ sĩ khắc khổ nhất màn ảnh". Ở tuổi 63, nam nghệ sĩ vẫn say sưa với nghiệp diễn dù đã nghỉ hưu.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, NSƯT Phú Đôn chia sẻ về vai diễn Tết ở làng Địa ngục - phim kinh dị đầu tiên mà anh tham gia trong hơn 40 năm diễn xuất.
- Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, lý do nào đã đưa NSƯT Phú Đôn đến với vai diễn đặc biệt trong phim kinh dị "Tết ở làng Địa ngục"?
Tết ở làng Địa Ngục thuộc thể loại kinh dị, đây cũng là thể loại phim lần đầu tiên tôi tham gia. Với khán giả Việt Nam, phim truyền hình thể loại kinh dị còn tương đối mới, tuy nhiên ở các nước khác thì đã có từ lâu. Trong mấy chục năm làm nghề, lần đầu tiên tôi mới được mời vào vai diễn như vậy.
Quá trình nhận lời cho vai diễn cũng rất phức tạp vì tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn chưa từng quen biết nhau. Hơn nữa, tôi thấy mình cũng lớn tuổi nên không thể nhận bừa. Tuy nhiên sau một quá trình tìm hiểu về Hữu Tấn và biết được tâm huyết của cậu ấy trong từng dự án phim, tôi đồng ý nhận kịch bản để tìm hiểu.
Vai diễn này của tôi không qua casting. Đạo diễn nói rằng đây là trường hợp đặc biệt khi vai này "đo ni đóng giày" cho tôi.
Sau gần 2 tháng đọc kịch bản, tôi mới quyết định nhận lời tham gia. Đầu tiên là do bản thân cảm thấy tò mò, sau đó tặc lưỡi đồng ý để xem bản thân có gánh nổi được sự mới mẻ này không.
- Bộ phim này được dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên. Vậy trước khi đóng phim, anh có phải đọc cuốn tiểu thuyết này?
Mỗi người sẽ có một cách tiếp cận vai diễn một cách khác nhau, tôi thì lại rất sợ cách tiếp cận bằng việc phải đọc theo một tác phẩm nào đó có từ trước. Không phải do lười mà bản thân tôi là người đọc rất nhiều. Từ năm học cấp 2, tôi đã từng đọc hết cả nhà sách. Nhưng với tiểu thuyết này, tôi dứt khoát không đọc. Tôi nghĩ khi đọc thì bản thân sẽ bị lệ thuộc vào hình dung của tác giả.
Khi cầm kịch bản phim, tôi chỉ cần biết mình diễn vai nào và nhân vật sẽ có vai trò gì trong phim. Hiệu quả mà tác giả và đạo diễn mong muốn là việc của tôi. Đạo diễn chỉ chọn điểm đến, còn đi ra đó thế nào thì là việc của người diễn viên.
- Trong phim, anh đóng vai một gã ăn mày bị cụt chân. Việc hoá thân vào nhân vật này khó khăn như thế nào?
Để nhập vai, tôi phải giảm cân, nuôi râu tóc, để móng tay dài và mỗi ngày mất rất nhiều thời gian cho khâu hoá trang trước khi vào cảnh quay.
Hoá thân vào nhân vật què thì không phức tạp nhưng khi ngồi thì khá khó khăn. Tôi luôn phải ngồi gập 2 chân ra đằng sau và lắp 2 chiếc đầu gối giả vào trước. Quay phim trong thời tiết lạnh, nền đất đá càng tạo ra sự khó khăn mỗi khi phải di chuyển.
Trong một phân đoạn tôi phải ngồi trên lưng ngựa. Vì chân đã bị gập ra sau nên khi ngồi không thể bám được vào yêu ngựa. Đi trên con đường trơn trượt với vách đá 2 bên, do hai đầu gối không giữ chắc nên nhiều lần bị ngã. May mắn là diễn viên Quang Tuấn giữ được nếu không thì không biết có chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên tôi cảm thấy vẫn bình thường vì đó là yếu tố cấu thành sự thành công của một bộ phim. Tôi cảm thấy may mắn khi cả đoàn phim đều rất nỗ lực cho từng vai diễn của mình.
- Trước khi nhận lời đóng phim, anh có từng tưởng tượng vai diễn này sẽ khó khăn đến vậy?
Tôi cũng có hình dung ra mình sẽ phải rất vất vả, nhưng không thể nghĩ được nó lại khủng khiếp như vậy. Nó vượt qua suy nghĩ của tôi phải vài lần chứ không chỉ một chút.
Với tôi, có lẽ vất vả nhất chính là những phân đoạn phải dùng máu giả. Có những cảnh tôi bị phụt máu giả thẳng vào mặt trong khi mắt vẫn phải mở. Dù rất cay mắt nhưng không được nhắm lại vì sẽ hỏng mất ý đồ của đạo diễn.
- Đó đã là cảnh khủng khiếp nhất của NSƯT Phú Đôn trong phim này?
Ở những tập cuối, tôi sẽ có phân cảnh hoá thành sói. Đây mới chính là những cảnh khó khăn nhất khi chỉ quay ban đêm từ 5h chiều tới 5h sáng hôm sau. Tôi phải hoá trang gần 13 tiếng đồng hồ trong tình trạng không mặc quần áo.
Sự khó chịu không bằng thời gian vì khi hoá trang xong sẽ không thể đi vệ sinh được. Bản thân tôi phải tự kiềm chế vì nhiều lúc khát nước cũng không dám uống một giọt. Dù biết là sẽ hại sức khoẻ nhưng không có cách nào khác.
Khi kết thúc, tôi mới được đi vệ sinh. Sau đó, tôi mất hai tiếng để xóa lớp hóa trang trên người. Thật may khi tôi không bị ốm trong thời gian quay phim, dù nhiều diễn viên ít tuổi hơn đã gục vì địa hình và thời tiết khắc nghiệt.
Các bạn đoàn phim cũng phải thốt lên rằng "lần đầu tiên hoá trang một nhân vật phức tạp như vậy nhưng vẫn không thấy chú Đôn kêu một câu nào" (cười).
- Trong phim NSƯT Phú Đôn kết hợp với nhiều diễn viên miền Nam. Lần đầu hợp tác, anh cảm thấy thế nào?
Điều đặc biệt khi quay bộ phim này là tất cả diễn viên đều phải ở cùng nhau trong một căn nhà suốt 2 tháng. Có lẽ vì vậy nên tình cảm của chúng tôi rất gắn bó.
Hơn nữa, các diễn viên trong phim này hầu hết đều được đào tạo chính quy nên kỹ thuật biểu diễn đều tốt. Có một vài chỗ, chúng tôi chỉ cần chỉnh về cách nhả chữ và ngôn ngữ vùng miền.
Sau bộ phim, tôi quý mến và coi các bạn như con mình. Mọi người vẫn thỉnh thoảng liên lạc qua mạng xã hội. Tôi chắc chắn một điều là khó có phim nào trong dàn diễn viên có thể yêu quý nhau như phim này.
- Thường gắn bó với hình ảnh ông nông dân chất phác trong nhiều bộ phim, những vai diễn của anh thường được coi là khá an toàn. Với "Tết ở làng Địa Ngục", phải chăng đây chính là vai diễn có sức nặng nhất trong sự nghiệp của NSƯT Phú Đôn?
Sẽ rất khó để nói vai nào khó, vai nào dễ khi muốn so sánh một nhân vật nào đó. Với tôi, diễn viên có rất nhiều điểm tương đồng với môn bóng đá. Giống nhau ở chỗ trận tưởng đơn giản nhưng có khi lại rất phức tạp, nhưng có trận tưởng khó nhưng lại chiến thắng dễ dàng. Vậy nên khó biết được nhân vật nào sẽ khó hay dễ hơn.
Với mỗi một vai, bản thân người diễn viên sẽ phải tự khai thác, tạo ra những cái mới nên có những cái phức tạp và khó khăn khác nhau.
Có nhiều vai khó về mặt tâm lý nhưng có những vai sẽ khó về điều kiện làm phim hay tạo hình nhân vật.
- Thời gian quay phim suốt 2 tháng, anh sắp xếp thời gian thế nào để về thăm gia đình?
Chúng tôi quay trong 2 tháng và 1 tuần sẽ được nghỉ một ngày. Trong thời gian đó, tôi về nhà được 2 lần.
Bà xã và các con cũng nhiều lần muốn lên đoàn phim thăm nhưng tôi không đồng ý. Tôi không muốn để vợ con nhìn thấy hình ảnh vất vả của mình.
Nghệ sĩ là vậy, họ không thích khoe nỗi vất vả, khổ sở của mình. Tuy nhiên khi đã làm diễn viên vì sự khó khăn, vất vả sẽ không thể tách rời nhau. Làm diễn viên mà chỉ ngồi một chỗ, không ra ngoài nắng mưa thì không thể gọi là đóng phim. Đó là lý do tôi không muốn vợ con nhìn thấy mình mỗi lúc đi đóng phim.
- Khi nhìn tạo hình trong phim mới của anh, vợ con cảm thấy thế nào?
Gia đình tôi khi nhìn thấy hình ảnh đấy chỉ thốt lên: "Khiếp, tởm!" (cười). Tuy nhiên tôi thấy điều đó rất đáng yêu. Nhìn thấy mình trong hình ảnh như vậy thì ai chẳng xót xa. Người ngoài nhìn còn thấy xót nữa là người nhà.
- Cách biệt 25 tuổi nên nhiều người nói rằng NSƯT Phú Đôn rất nghe lời vợ. Vậy trước mỗi dự án của mình, anh có phải hỏi ý kiến bà xã?
Bà xã hầu như không để ý tới chuyện nghề của tôi. Chồng đóng phim gì thì sẽ xem phim đó.
Tuy nhiên thỉnh thoảng cô ấy cũng góp ý về cách diễn xuất của tôi, với góc nhìn của một khán giả. Có cái mình làm thì cô ấy thích nhưng có những cái cô ấy sẽ không hài lòng. Nhiều lúc cô ấy cũng thắc mắc với tôi rằng: "Sao anh không diễn thế này hay sao anh lại xấu thế?".
Nhưng cô ấy tôn trọng lựa chọn của chồng trong công việc, không bao giờ can thiệp việc tôi nhận lời hay từ chối các dự án.
- Sau khi nghỉ hưu, một ngày của anh diễn ra thế nào nếu không đi đóng phim?
Cũng giống như những người về hưu khác, tôi chủ yếu dành thời gian cho gia đình. Tuy nhiên khác ở chỗ vì xây dựng gia đình muộn nên các con tôi vẫn còn nhỏ. Bạn lớn hiện học lớp 12, còn bạn nhỏ thì đang học lớp 2. Nếu không đi đóng phim thì tôi đưa đón con đi học, dạy học rồi cơm nước hỗ trợ bà xã.
- Anh có phải là một người cha nghiêm khắc?
Tôi sợ các con khủng khiếp, hơi tý là sợ run người (cười). Có lẽ do có con muộn nên tôi rất chiều chuộng các con. Tôi nghĩ đó là tâm lý chung của những người giống mình. Nhiều lúc nóng giận nhưng sợ không dám đánh và cũng không dám cáu gắt quá.
Trong gia đình thì bà xã là người nghiêm khắc, còn tôi thì lúc nào cũng phải bênh con.
- Cách biệt khoảnh cách thế hệ khá lớn, NSƯT Phú Đôn có phải học cách để hoà nhập, nuôi dạy các con của mình?
Tôi vẫn có thể dạy học cho các con đó chứ! Tôi vẫn còn nhớ được tương đối kiến thức đến hết cấp 2 nên vẫn dạy được bạn nhỏ học.
Hơn nữa làm nghề này tôi cũng được tiếp xúc nhiều với những bạn trẻ, có lẽ đó là lý do tôi vẫn không bị gọi là "người tối cổ" (cười). Tuy nhiên tôi không áp theo những phương pháp hiện đại. Tôi vẫn nuôi con theo những phương pháp truyền thống. Với mỗi đứa con, tôi sẽ tìm cách gắn kết và giáo dục khác nhau.
Bản thân hai vợ chồng cũng biết cách làm sao để kết hợp hài hoà, tìm ra cách để nuôi dạy các con hợp lý nhất có thể.