Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nông sản Việt điêu đứng giữa dịch corona: Cơ hội thoát phụ thuộc thị trường Trung Quốc

(VTC News) -

Xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường…

Kỳ 1: Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona

Đó là những giải pháp được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước bài toán lệ thuộc thị trường tiêu thụ Trung Quốc của nông sản Việt trong nhiều năm qua.

Vì sao chưa thể ‘thoát Trung’?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.

Hàng trăm container hoa quả, chủ yếu là thanh long chưa được thông quan, xuất khẩu đi Trung Quốc do chính sách biên giới thay đổi để đối phó dịch corona. (Ảnh: T.Đ)

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng 2019 kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc đạt 6,31 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu cao su đạt 1,34 tỷ USD, thủy sản 1,1 tỷ USD, hạt điều 520 triệu USD, chè 22,7 triệu USD, gạo 225 triệu USD, rau quả 2,24 tỷ USD, cà phê 89,5 triệu USD và sắn, sản phẩm từ sắn là 736 triệu USD.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc có lợi thế do đường biên giới dài, tiêu chuẩn chất lượng không quá khắt khe, thị hiếu tiêu dùng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mặt hàng này lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đang khiến ngành sản xuất này đối mặt với nhiều rủi ro.

“Nhiều mặt hàng bị ép giá, chính sách thay đổi, hàng loạt loại trái cây bị đổ bỏ… khiến nông dân thiệt hại nặng nề là điệp khúc mà chúng ta từng chứng kiến trong nhiều năm qua”, ông Long nói.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá, những bài học xương máu từ việc hàng nông sản Việt quá phụ thuộc Trung Quốc vẫn đó nhưng việc giải bài toán này không dễ.

Nguyên nhân do Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với quy mô dân số 1,4 tỷ, trong đó số người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Nhu cầu tiêu dùng nông thủy sản là rất lớn. Thứ nữa, thị trường Trung Quốc vẫn được coi là dễ tính, phù hợp cách thức sản xuất của nông dân Việt Nam.

“Trong việc này có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách quan trọng đề ra nhưng không thực thi, giám sát đến nơi đến chốn. Nông dân nhiều nơi vẫn mày mò xem trồng gì, nuôi gì hoặc làm ăn theo “phong trào tự phát” nên khi xảy ra chuyện là lại rơi vào cảnh trắng tay”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

“Trong nguy có cơ”

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ tác động đến nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. “Ảnh hưởng đến đâu còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch. Nhưng các ngành du lịch, chứng khoán, vận tải, hàng không, logicstic, phân phối bán lẻ, nhà hàng, thương mại, chuỗi cung ứng… sẽ gặp khó khăn”, ông Thành nói.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: H.H)

Theo chuyên gia, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế nhiều mặt với Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp, thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước chắc chắn bị ảnh hưởng. Dễ thấy nhất là tình trạng ùn ứ hàng nông sản những ngày qua tại các cửa khẩu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tiến sỹ Thành cũng nói thêm: “Thực tế có khó khăn nhưng không hoàn toàn tiêu cực. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với tính năng động vốn có, sẽ tự kiếm các thị trường khác để xuất khẩu”.

“Năm ngoái Trung Quốc nâng cấp tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu, bước đầu cũng gây khó khăn cho hàng nông sản Việt Nam. Nhưng nhờ cái đó mà mình làm ăn bài bản hơn, tiêu chí đáp ứng hơn, khó giai đoạn đầu nhưng sau dần tốt lên. Từ đó chạm đến tiêu chuẩn các thị trường khó tính, giúp mở rộng thị trường”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói thêm.

Bên cạnh giải pháp vĩ mô, tổng thể TS Võ Trí Thành cho rằng Chính phủ cũng cần có giải pháp tình thế khác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. “Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, hàng tồn kho nhiều, chi phí phát sinh lớn… Do đó Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin hoặc hỗ trợ trực tiếp”, ông Thành nói.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng dịch viêm phổi do virus corona là một “tai nạn”, đem đến nhiều thách thức đối với xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, tai nạn này tiếp tục đặt ra những cảnh báo về vấn đề xuất khẩu nông sản qua nước này cả tiểu ngạch cũng như chính ngạch”, ông Doanh nói.

Vẫn theo ông Doanh, Việt Nam có khoảng 70% lao động đang sống ở nông thôn và thu nhập lệ thuộc rất lớn vào nông sản. Do đó, mọi biến động về thương mại dù nhỏ sang thị trường Trung Quốc sẽ lập tức tác động trực tiếp đến đời sống của họ.

Nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cũng nhấn mạnh các hợp tác xã, nông dân cần tập trung vào phát triển nông sản sạch và quan tâm đúng mức thị trường nội địa 100 triệu dân.

Ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong bối cảnh hiện tại cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước bằng cách áp dụng các biện pháp như bán hàng online, giao hàng tận nơi. Bên cạnh đó nhà nước có chính sách hỗ trợ ngành chế biến, bảo quản, thậm chí miễn giảm tiền điện để giảm chi phí kho lạnh...

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác, quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn”, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Bộ Công Thương đã chủ động chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác... Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng bà con nông dân cần điều chỉnh ngay sản xuất vì dịch bệnh có thể kéo dài.

"Nhiều nước cũng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, du lịch lữ hành, nên đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu để có biện pháp hỗ trợ nông dân. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính vào cuộc cùng rà soát giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay...", ông Khánh đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng doanh nghiệp nên tăng cường tiêu thụ nội địa, kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông sản trong nước...

Hoàng Hưng

Tin mới